Bóng đá thật ra chỉ là một thú vui, một trò chơi (game vận động). Đầu năm một game, giữa năm một game, cuối năm một game. Đội nhất được bao nhiêu tiền đó, đội nhì đội ba đều được bao nhiêu đó. Coi đá bóng là ủng hộ tinh thần thể dục thể thao của nước nhà, chứ không phải vì đội tuyển quốc gia đá bóng giỏi mà vị thế dân tộc trên trường quốc tế được tăng lên. Mình có vô địch World Cup cũng không thể vì thế mà nhiều nước miễn visa cho mình.
Tâm lý ủng hộ, chiến thắng là dễ hiểu, nhưng cần phải điều tiết. Không nên đi bão sau mỗi trận đấu nữa, rất nguy hiểm vì nhiều thanh niên trẻ, uống rượu bia lúc xem đá bóng, xong hưng phấn chạy ra đường, sẽ vô tình gây tai nạn cho mình. Bình thường họ không dám ra đường sau khi rượu bia như vậy, nhưng lúc bão thì lực lượng giao thông không đủ để điều tiết, nên họ hăng máu làm liều. Trong “cơn bão” trên đường phố, ai lái càng chậm càng cẩn thận, thì càng dễ bị đâm.
Đội bóng mình yêu thích đăng quang vô địch nhưng người nhà mình chít khăn tang trên đầu, tiếng kèn đám ma trong xóm hoà trong tiếng kèn thắng lợi thì thật là đáng tiếc. Bạn hoàn toàn trở thành một tử thi được khâm liệm trong quan tài nếu chẳng may bị đám thanh niên kia đụng phải, mà cũng chẳng biết ai đã đụng mình trong tiếng xe gầm rú ào ào kia. Đứng trên lề cũng bị đâm như thường với sự cơ động của xe máy, phương tiện giao thông được xem là nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Ở nước ngoài, chỉ có trận chung kết (trận cuối) của một giải thật lớn cỡ World Cup, họ mới đổ ra đường, nhưng đều là đi xe buýt tới khu trung tâm và đi bộ trên đường, nắm tay và ôm nhau trong hạnh phúc (không có nước nào đi bão mỗi người một xe ô tô). Nên mình cũng bắt chước đổ ra đường, nhưng mỗi người một chiếc xe máy trong tình trạng thần kinh hưng phấn quá như thế này là rất nguy hiểm.
Cần có sự điều tiết của nhà nước (ví dụ cấm xe đi vào khu trung tâm, ai gửi xe đi bộ vô vui mừng nhảy múa thì được chấp nhận) và người lớn của mỗi gia đình trong vấn đề này để giới trẻ vui chiến thắng một cách văn minh và an toàn hơn. Mạng người mới là cái quan trọng nhất, chưa kể tai nạn nằm sống đời thực vật đó, gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội trong tương lai dài hạn, nhất là giới trẻ đang trong tuổi lao động, vô cùng đáng tiếc.
Chúng ta cần phấn khởi khi chúng ta chiến thắng, nhưng không nên đổ ra đường đi bão như xưa nay nữa. Chưa kể sau đêm bão là quá tải của người làm vệ sinh công cộng và nhân viên y tế. Sau khi các học viện bóng đá ra đời và đào tạo cầu thủ từ nhỏ, trình bóng của chúng ta đã lên rất nhiều, chiến thắng trong bóng đá từ này sẽ liên tục. Các bệnh viện đều quá tải người bị thương và bị chết trong các dịp lễ, tết, đội bóng quốc gia giành thắng lợi… là một hồi chuông gióng lên cho cả xã hội phải điều chỉnh hành vi. “Cực vui sinh hoạ”, vui quá mức sẽ sinh ra tai hoạ, thú vui nào cũng vậy cả. Mình còn sống thì năm sau năm sau nữa còn tiếp tục coi đá bóng và cổ vũ, chứ bị tai nạn nằm đó thì còn gì vui.
Nhận thức phải được điều chỉnh liên tục cho phù hợp tình hình mới. Bạn có thể sẽ phản đối hoặc thấy không có gì nghiêm trọng cho đến khi sự cố đến với mình hoặc gia đình mình. Người xưa nói “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”, nhưng mình có thể tưởng tượng và dự đoán, xong phòng tránh, là cách sống thông minh. Ai nói không nghe kệ họ, riêng mình thay đổi. Top 4 châu Á thì thắng giải khu vực Đông Nam Á là thường tình, không phải lâu lâu mới may mắn thắng 1 trận như ngày xưa. Chúng ta cần đổi cách cổ vũ cho sang trọng và phù hợp với đẳng cấp của đội bóng.
Mình nên lấy tinh thần thể thao đó cho mình, mình rèn luyện thân thể 6 múi đẹp như Tiến Dũng, Duy Mạnh, chạy liên tục không mệt như Quang Hải Văn Đức… Hoặc tổ chức các giải thể dục thể thao cho trường mình, cơ quan mình, tham gia nhiệt tình… để lan toả tinh thần thể thao. Còn xách xe máy đi bão sau mỗi trận đấu thì mình nên dừng lại, vì nó đã không còn phù hợp nữa.
— Nguồn: ăn trưa cùng Tony —
o0o
Cá nhân mình thì cũng đồng quan điểm với người viết. Lần nào mình thấy đội tuyển VN có trận thắng ấn tượng, là y như rằng hôm sau có tin về tai nạn do đi bão, tin về xả rác bừa bãi nơi tập trung ăn mừng… Tất nhiên đội tuyển giành chiến thắng thì vui chứ, và cũng nên ăn mừng điều tuyệt vời này, nhưng “vui thôi, đừng vui quá”, và hãy vui một cách văn minh 🙂