Kẹo Cu đơ – đặc sản Hà Tĩnh đắm say lòng người

Kẹo Cu đơ – đặc sản Hà Tĩnh đắm say lòng người

Đặc sản vùng miền của Việt Nam không chỉ phong phú về hương vị mà chính tên gọi cũng làm người ta bị ấn tượng. Đôi lúc tự hỏi tại sao có nhiều mỹ từ như thế mà họ lại đặt cho chúng những “nick name” vừa độc vừa khó hiểu. Ở Quảng Bình thì có khoai deo hay bánh gật gù của Quảng Ninh. Và đến Hà Tĩnh bạn sẽ tò mò vì một loại đặc sản được gọi là kẹo Cu Đơ.

Kẹo Cu đơ – đặc sản Hà Tĩnh đắm say lòng người

Vì sao kẹo có tên là “Cu Đơ”?

Ngày xưa, ở một làng thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một gia đình nọ có hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú nhưng nhà lại rất nghèo. Một ngày nọ, cậu con trai cả vẫn bẽn lẽn thưa với bố mẹ là sẽ cưới vợ. Họ làm quần quật suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, thì lấy đâu ra tiền cưới vợ?

Hai ông bà lo lắng không biết lấy đâu ra đồ sính lễ. Nhà lại không có rượu, không có heo, không có nếp lấy gì mà đãi bà con chòm xóm. Trong lúc bế tắc, người cha mới đánh liều nấu mật mía sôi lên rồi đổ lạc (đậu phộng) vào. Khi đem ra đãi, ai ăn cũng thấy ngon. Được mọi người ưa thích, ông tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận. Từ đó, kiểu nấu mật mía với lạc lan rộng khắp huyện Hương Sơn.

kẹo cu đơ Châu Tình

Ban đầu nó có tên là kẹo lạc (vì chỉ có mật mía và lạc) nhưng người ta thấy như vậy là bất công cho người sáng chế nên gọi là kẹo “cu Hai” (một người cha có hai thằng con trai). Khi phong trào Tây học nở rộ, những ông nghè ở đây mới đổi từ “Hai” thành “Deux” (tiếng Pháp có nghĩa là hai, số 2) cho “trí thức”. Còn “cu” chỉ có người Việt Nam mới dùng, là tên gọi thân mật dành cho con trai (cu Tý, cu Tèo). Các cụ vắt óc suy nghĩ cũng không biết đổi từ “cu” như thế nào, đành kết hợp cách gọi Việt – Pháp là “cu deux” (cu đơ).
(đây là câu chuyện thật chứ không phải chuyện cổ tích đâu ạ #Cóc)

Kẹo Cu Đơ được chế biến như thế nào?

Kẹo cu đơ có hình tròn, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay, ăn rất “lạ miệng”.

Kẹo cu đơ có bánh tráng nướng giòn ở hai mặt, ở giữa là nhân lạc rang được phủ một lớp mật có màu vàng trông hấp dẫn và bắt mắt. Kẹo cu đơ đơn giản là thế, nhưng để làm ra là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ.

Cu đơ Châu Tình - đặc sản Hà Tĩnh

Nguyên liệu chính của kẹo là mật, lạc rang và bánh tráng. Mật phải trong, vàng óng được lấy từ mật mía nguyên chất và được đựng trong những chiếc hủ bằng sành hoặc sứ để không làm mất đi hương vị của mật. Lạc rang phải là loại hạt vừa, không bị sâu, lớp vỏ lụa bên ngoài không bị trầy. Mật mía phải là thứ mật sánh, thơm và đặc như mật ong. Bánh tráng không quá dày cũng không quá mỏng, phải có vừng và gừng ở đều vỏ bánh.

Để làm món đặc sản này, bên cạnh khâu chuẩn bị nguyên liệu cẩn thận, khâu nấu kẹo tuy không quá phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, chịu khó và nhanh nhẹn cao ở mỗi người làm.

Người làm cho mật mía vào nồi nhôm dày rồi đem đun đến khi sôi đều. Nếu đun bằng củi thì củi này phải khô và ít khói để tránh làm ảnh hưởng đến hương vị nồi kẹo. Quá trình giữ lửa được xem là một trong những khâu quan trọng đảm bảo sự thành công của mẻ kẹo. Nếu lửa quá to, mật sẽ bị bén đáy nồi, gây khét. Lửa nhỏ thì không đủ độ để làm giòn hạt lạc. Do đó, cái khéo của người làm là giữ lửa cháy cho đều.

Khi mật sôi, người làm cho lạc sống cùng ít gừng thái nhỏ vào rồi liên tục đảo đều hỗn hợp. Quá trình này kéo dài tới khi mùi thơm của mật và lạc chín quyện vào nhau. Người làm dùng chiếc đũa nhúng vào và kéo mật ra, cho vào bát nước lã. Khi thấy giọt mật tròn, không tan trong nước thì mẻ kẹo đun đã hoàn thiện.

Khi kẹo chín, người làm cẩn thận múc kẹo đổ lên bề mặt của bánh đa, dàn đều rồi úp chiếc bánh đa còn lại lên một cách nhẹ nhàng sao cho bánh không bị vỡ. Kẹo được để nguội hẳn rồi đem gói kín vào bao ni lông để bảo quản.

Cu đơ Ông Bà Thư Viện

Thưởng thức kẹo Cu Đơ đúng cách

Kẹo cu đơ là sự kết hợp giữa cái giòn của lớp vỏ bánh đa bên ngoài, cái ngọt dẻo của lớp mật bên trong hòa cùng cái béo bùi của lạc rang và thoang thoảng hương thơm của gừng tươi. Thưởng thức kẹo Cu Đơ đúng điệu là phải kèm theo một tách trà xanh ấm nóng. Tuy chỉ là sự kết hợp từ các nguyên liệu bình dân, đơn giản nhưng bằng sự khéo léo của người dân Hà Tĩnh. Đó như là một nét văn hóa, một truyền thống của người dân ở mảnh đất khí hậu khắc nghiệt, quanh năm gió Lào.
(thật ra thì gió Lào ở miền Trung chỉ có từ tháng 4 đến tháng 9 thôi #Cóc)

“Chè xanh thêm chút gừng cay
Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”

Cu đơ Hà Tĩnh

— tổng hợp —

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments