Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới, là nơi gia công sản xuất phần lớn thiết bị, linh kiện, đồ dùng… xuất khẩu đi khắp nơi. Thế còn nông nghiệp thì sao? Có bao giờ bạn thắc mắc: nền nông nghiệp Trung Quốc nuôi hơn 1 tỷ dân của họ như thế nào?
Mới đây có một bài viết trên Quora có thể sẽ giải đáp phần nào thắc mắc này cho mọi người.
Nền nông nghiệp Trung Quốc nuôi hơn 1 tỷ dân của họ như thế nào?
Trăm nghe không bằng một thấy, mời các bạn mở Google Earth và xem điều gì đang diễn ra ở TQ. Truyền thông phương Tây (và cả phương Ta) ít khi nói về điều này.
Tôi sẽ dẫn các bạn đi và chỉ cho các bạn xem. Đây là các tọa độ:
Vị trí 1: Ningde Bay, Fujian, China (26°43’02.8″N 119°57’45.2″E)
Vịnh Ninh Đức, Phúc Kiến
Điểm đến đầu tiên của chúng ta là vùng vịnh ở tỉnh Phúc Kiến
Zoom vào, ta có thể thấy hàng triệu nhà và lồng nổi trên mặt biển
Nếu tìm quanh vùng bờ biển từ Chiết Giang tới Quảng Đông, ta có thể thấy lồng bè như thế này ở khắp mọi nơi
Đó chính là các “trang trại hải sản”
Thay vì đi ra biển đánh bắt, họ tự nuôi trồng hải sản và kiếm được nhiều tiền hơn từ nuôi cá, tôm, cua ghẹ, ngao sò, vv…
Vậy người TQ tiêu thụ bao nhiêu hải sản?
Ước tính lượng tiêu thụ hải sản toàn cầu vào khoảng 143.8 triệu tấn mỗi năm, trong đó riêng TQ chiếm tỉ lệ lớn nhất (65 triệu tấn, 45% của toàn thế giới), theo sau đó là EU (13 triệu tấn), Nhật Bản (7.4 triệu tấn), Mỹ (7.1 triệu tấn) và Ấn Độ (4.8 triệu tấn) (nguồn EU SCIENCE HUB)
Dân số TQ và Ấn Độ gần như tương đương nhau, nhưng TQ tiêu thụ lượng hải sản nhiều hơn 12 lần so với Ấn Độ, mặc dù Ấn Độ có vị trí địa lý tốt hơn khi được bao quanh bởi vùng biển ấm, có tiềm năng hải sản dồi dào.
Trong 65 triệu tấn hải sản tiêu thụ ở TQ, chỉ 15 triệu tấn được đánh bắt trong tự nhiên, 50 triệu tấn còn lại từ các “trang trại hải sản”. Mặt khác, 90% lượng hải sản tiêu thụ của Nhật Bản là từ tự nhiên. Nhờ có các “trang trại” này, các gia đình TQ bình thường cũng có thể có hải sản trong bữa ăn hàng ngày. Đây là 1 bữa ăn gia đình thông thường: có nhiều món trong đó là hải sản!
Vị trí số 2: Nam Tầm, Hồ Châu, Chiết Giang (30°46’14.5″N 120°09’02.9″E)
Điểm đến thứ 2 của chúng ta là vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn giữa sông Trường Giang, Thái Hồ và sông Tiền Đường. Nhờ có nguồn nước ngọt dồi dào mang theo phù sa từ thượng nguồn, khu vực phì nhiêu này là nơi sinh sống của trên 100 triệu người. Đây là 1 trong những khu vực có mật độ dân lớn nhất TQ. Khu vực này rất giống các vùng đồng bằng ở Bangladesh, Tây Bengal, Ấn độ hay Saigon, Vietnam (Đồng bằng sông Cửu Long) vv…
Ở đây TQ làm gì khác so với các vùng đồng bằng đông dân cư ở Ấn độ và Bangladesh?
Thay vì trồng lúa nước, nông dân TQ đã trồng đa dạng các loài “thủy sản” có giá trị cao hơn và làm giàu cho họ hơn so với trồng lúa. Nếu zoom lên, ta sẽ thấy hàng triệu hồ cá thay vì là đồng lúa. Bên cạnh hồ cá là rất nhiều các loại cây được trồng xung quanh
Đó là các cây dâu trồng để nuôi tằm. Qua hơn 2000 năm, người TQ đã phát triển nhiều mô hình sinh thái nông nghiệp bền vững ở khu vực này. Một mô hình tuần hoàn sinh thái nổi tiếng nhất là mô hình Cá–Dâu-Tằm được mô tả trong hình sau:
Người nông dân TQ đã khai thác mô hình sinh thái để nuôi cá + dâu tằm hàng ngàn năm trước cả khi có khái niệm về “phát triển bền vững”. Ngày nay, mô hình được nâng tầm lên thành nhiều vòng tuần hoàn có thể khai thác trên cùng 1 mảnh đất.
Tuy nhiên, để có thể nuôi nhiều cá hơn trong hồ, người ta cần sục thêm khí nếu không cá sẽ không thể thở. Trong hình sau, ta có thể thấy máy sục khí là chấm trắng ở giữa các hồ.
Để sử dụng máy sục khí thì mỗi hồ cá đều phải được cấp điện. Vậy phải làm thế nào? Bạn đoán đúng rồi: sử dụng điện mặt trời trên hồ cá.
Qua Google Earth, ta có thể thấy các hồ cá điện mặt trời đang thay thế dần 1 số hồ cá dâu tằm truyền thống.
Người nuôi cá và người nông dân bị bắt buộc phải học các công nghệ điện mặt trời mới nhất và các kỹ thuật nuôi trồng bền vững, được các chuyên gia của chính phủ đào tạo.
Tại sao quan chức địa phương TQ lại tích cực phổ biến công nghệ cao cho nông dân?
Để có thể thăng chức, anh ta phải thể hiện “năng lực chính quyền”. Trong đó việc phổ biến hồ cá – điện mặt trời là 1 trong những cách ghi điểm tốt nhất để thăng chức vì nó phù hợp với chủ trương phát triển bền vững.
Từ đây bạn có thể hiểu vì sao TQ thống trị thị trường thế giới về sản xuất lụa (84%), cá nước ngọt (66%) và năng lượng mặt trời (25.8%). Ở các vùng Chiết Giang, Giang Tô, người nông thôn ăn cá hàng ngày. Người ta bảo vì thể mà dân ở các vùng đó thông minh hơn dân nơi khác.
Nông nghiệp sinh thái phương án 2: củ sen – cá
Trong hồ cá, người ta còn có thể trồng các loại rau khác cùng với cá. Một trong những loại phổ biến nhất là củ sen. Sản lượng củ sen của TQ là 11 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng toàn thế giới và chiếm 60% xuất khẩu toàn thế giới. Không chỉ được tiêu thụ bởi người TQ, hầu hết củ sen xuất khẩu được bán cho Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Nông nghiệp sinh thái phương án 3: dầu hạt cải, cá và cua
Người ta trồng cải với cùng 1 mô hình như trên. Thay vì phân bón, mỗi mùa đông, người nông dân sẽ đào bùn dưới đáy ao hồ và đắp lên bờ. Trên đó họ sẽ trồng các loại cây khác nhau như hạt cải, khoai môn. Sau hàng ngàn năm canh tác, cánh đồng của họ trở thành như thế này:
Vị trí: Duotian(垛田镇), Hưng Hóa, Giang Tô 32°56’51.9″N 119°51’50.4″E
Ở đây không có đường bộ. Người ta chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Tất nhiên, đây cũng là lý do mà TQ là nhà sản xuất dầu hạt cải hàng đầu thế giới (22% sản lượng toàn cầu)
Chưa kể tới là ngành công nghiệp nuôi ong mạnh mẽ nhờ cây cải, TQ chiếm hơn 30% sản lượng mật ong toàn thế giới.
Trên thực tế, 1/3 lượng mật ong được tiêu thụ ở Mỹ được nhập trực tiếp hay gián tiếp từ TQ. Để tránh thuế của Mỹ, các thương gia TQ sẽ xuất mật ong sang Ấn Độ, Phillipines và Malaysia. Ở đó người ta sẽ thay nhãn hiệu và biến chúng thành sản phẩm nội địa sau đó bán sang nước Mỹ. Tôi chắc rằng điều này cũng xảy ra với các sản phẩm khác nữa.
(tham khảo: Chinese honey route, One Third Of America’s Honey May Be A Dangerous And Illegal Import From China)
Ngoài mật ong, khu vực này còn là nơi nuôi loài cua đồng Trung Quốc nổi tiếng. Chúng có thể được bán với giá $60/kg, khá cao nên chỉ được tiêu thụ chủ yếu bởi tầng lớp trung lưu.
Vị trí thứ 3 là vùng cao nguyên rộng lớn ở Sơn Đông (36°44’15.9″N 118°44’14.7″E)
Zoom lên thì ta có thể tìm thấy hàng triệu ngôi nhà sáng màu. Thử nhìn xung quanh ta sẽ thấy chúng ở khắp mọi nơi
Đó là các nhà kính có thể kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm để trồng rau và hoa quả
Bên trong nhà kính, người ta có thể trồng đủ loại rau củ quả khác nhau nhiều lần trong 1 năm, bất kỳ thời gian nào trong năm. Có nghĩa là bạn có thể thu hoạch rau củ quả gấp nhiều lần hơn so với 1 cánh đồng thông thường.
Vì thế, các nhà kính này có thể cải thiện đáng kể năng suất nông nghiệp trong cùng 1 diện tích hạn chế. Điều này cực kỳ phù hợp với người TQ. Để có thể thăng quan tiến chức, các quan chức địa phương ở Bắc TQ buộc cử tri của họ – người nông dân phải lắp đặt các nhà kính với các khoản vay từ “Ngân hàng nông nghiệp TQ”.
Hơn thế nữa, họ còn buộc người nông dân phải lắp đặt các hệ thống giám sát IoT (Internet of Things) trong nhà kính. Nhà nông bị buộc phải đi học trong các “trại huấn luyện” sử dụng điện thoại thông minh để giám sát tình trạng nhà kính bao gồm: CO2, ánh sáng, nhiệt độ đất, v.v…
Kết quả là, theo FAO, sản lượng và tiêu thụ rau quả của TQ vào khoảng 700 triệu tấn/năm, nghĩa là khoảng 40% lượng tiêu thụ toàn thế giới. So sánh với Ấn Độ (180 triệu), TQ đạt gấp 3.8 lần sản lượng rau quả, mặc dù phần đông dân số Ấn Độ là người ăn chay, và mặc dù diện tích đất nông nghiệp TQ nhỏ hơn của Ấn Độ. Chìa khóa của vấn đề là nhà kính.
List of largest producing countries of agricultural commodities
Nhờ có nhà kính, người TQ có rau xanh rẻ và đa dạng hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, và họ có quanh năm. Bạn có thể tra cứu trên Wikipedia, TQ dẫn đầu tất cả các bảng xếp hạng sản xuất các loại rau phi nhiệt đới (non-tropical) và vượt xa vị trí thứ 2.
Vị trí thứ 4: Lhasa, Tibet, China (29°41’52.3″N 91°09’18.6″E)
Vị trí thứ 4 cũng là về nhà kính, nhưng ở Tây Tạng. Dùng Google Earth và đi tới bất kỳ thị trấn nào ở Tây Tạng. Bạn cũng luôn thấy nhà kính.
Chính phủ TQ cũng đã ép buộc người dân xây dựng rất nhiều nhà kính trên cao nguyên Tây Tạng. Người dân Tây Tạng bây giờ không còn thời gian đi chùa thờ cúng nữa, bây giờ họ phải làm việc trong các nhà kính để trồng cà chua. Đức Dailai Lama hẳn không thích điều này.
Hậu quả là, giá rau quả trung bình ở Tây Tạng đã sụt giảm 90% trong thập niên qua và người ta không còn phải nhập khẩu rau quả từ các nơi khác đến nữa.
Trong lịch sử, hầu hết người Tây Tạng chỉ ăn thịt bò, sữa, pho mai và bánh mỳ. Họ không thể nào gieo trồng được gì do khí hậu khắc nghiệt. Chỉ có các giáo chức mới có quyền được ăn rau. Đây chính là bằng chứng cho thấy chính phủ TQ đã phá hoại văn hóa Tây Tạng và bắt tất cả phải ăn rau.
Vị trí 5: Tân Cương 43°43’51.2″N 80°35’21.5″E.
Kokdala là 1 thành phố phía bắc Tân Cương, giáp biên giới Kazakhstan về phía Tây. Đây là hình ảnh vệ tinh của vùng biên giới giữa TQ và Kazakhstan.
Bạn có thể thấy rõ ràng có nhiều cánh đồng xanh hơn ở bên phía TQ. Bên phía Kazakhstan chỉ là đất hoang.
Thật ra, đất ở đó đều là đất phèn (acid) và có rất ít nước để có thể gieo trồng. Bạn chỉ có thể có nước khi băng tan từ các ngọn núi xung quanh. Đối với người dân Kazakhstan, trồng trọt trên mảnh đất này là quá đắt, và sau đó họ không có thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy người Kazaks bên Kazakhstan đã quyết định bỏ hoang không trồng trọt gì cả.
Bên phía TQ, tất cả diện tích đất hoang trên được canh tác bởi đơn vị đặc biệt của chính phủ: XPCC (Xinjiang Production and Construction Corps)
Đây là 1 DN nhà nước có nguồn gốc quân đội. XPCC đã tuyển mộ 2.6 triệu lao động và nông dân bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, vận hành như 1 tổ chức khổng lồ. Do có quy mô lớn, chi phí vận hành đã giảm và có đầu ra sản phẩm trực tiếp vào thị trường nội địa TQ.
Trong 3 thập kỷ vừa qua, hàng năm XPCC đã gửi các chuyên gia nông nghiệp sang Israel để học tập các công nghệ nông nghiệp tiên tiến trên cùng khí hậu sa mạc tương tự. Các sinh viên TQ sau đó quay trở lại và canh tác vùng đất trên với các công nghệ tiên tiến nhất như tưới nhỏ giọt v.v… Một khi các công nghệ mới đã chứng minh hiệu quả, họ lại bán lại các mảnh ruộng đó cho các hộ gia đình Ngô Nhĩ, Hán và Kazak địa phương hoặc thuê họ làm việc trực tiếp trong tổ chức hợp tác xã.
Một vài người Ngô Nhĩ, Kazak sau đó được đưa vào các “trại huấn luyện”, ở đó họ bị buộc học tiếng Quan Thoại và các kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất để tiết kiệm nước và chi phí.
Nhờ có công nghệ tưới nhỏ giọt của người Israel và TQ, họ đã làm cho vùng đất hoang ở Tân Cương ngày càng trở phì nhiêu hơn.
Vậy họ đang trồng gì trên mảnh đất mới này?
Cà chua, ớt, dưa hấu, nho và bông. Tất cả chúng đều có thể bán giá cao hơn lúa mì.
Vì có khí hậu nhiều nắng, gió và lạnh về đêm của Tân Cương, các sản phẩm của họ thường ngon ngọt hơn, nhờ đó có thể bán giá cao hơn.
Trên thực tế, năng suất nông nghiệp ở Tân Cương cao hơn cả nhu cầu của thị trường nội địa. Thay vì để “thị trường tự do” tự điều tiết, có thể làm giảm giá thành và gây thiệt hại cho người nông dân Ngô Nhĩ, XPCC, là 1 doanh nghiệp nhà nước, đã đẩy mạnh bán các sản phẩm đó ra thế giới với giá cao hơn và tới nhiều quốc gia hơn.
Vậy nếu các nước không muốn mua các sản phẩm đó thì sao?
XPCC dựa vào quyền lực (superpower) của TQ để ép các nước phải tiêu thụ các sản phẩm đó trên các điều khoản mà họ không thể từ chối. Chiến thuật này học chính từ mô hình nông nghiệp của nước Mỹ. Đó chính là điều mà nước Mỹ vẫn đang làm. Đó chính là định nghĩa của chủ nghĩa tư bản nhà nước
Mỗi khi ông Tập đến thăm 1 quốc gia, ông cũng có trách nhiệm bán hàng cho quốc gia đó bằng cách ký các hiệp định thương mại.
Nếu bạn không tin, chúng ta sẽ đến xem địa điểm tiếp theo
Địa điểm 6: Bayingol, Tân Cương 42°18’36.1″N 86°36’15.4″E
Khoảng đất gì mà lại có màu đỏ ở giữa sa mạc thế nhỉ?
Zoom lên ta sẽ thấy đó là đất “cà chua” – hàng tỷ quả cà chua, bạn có thể hình dung ra quy mô của nó.
Lần tới, khi bạn ăn mỳ Ý, bánh mỳ kebab, hay đang chấm tương cà Heinz, rất có thể là bạn đang ăn cà chua từ Tân Cương. Có thể chúng ko đến trực tiếp với bạn, chúng có thể đi qua 1 nước thứ 3 và thay đổi nhãn hiệu, giống như với mật ong.
(tham khảo Your Ketchup Probably Came from Xinjiang | Xinjiang: Far West China)
TQ sản xuất ra 56.3 triệu tấn cà chua mỗi năm và thống trị 1/3 lượng xuất khẩu cà chua toàn thế giới. Trong đó trên 14 triệu tấn là từ Tân Cương. Bạn có thể xác minh điều đó qua bảng top 10 công ty sản xuất tương cà trên thế giới.
(tham khảo The World’s Leading Producers of Tomatoes)
· COFCO Group (China) 2nd
· Xinjiang Chalkis Co. Ltd (China) 3rd
· Fuyuan Agriculture Products Limited (China) 6th
· Heinz (United States) 7th
· Xinjiang Tianye Co., Ltd. (China) 15th
Các công ty này ít nhiều đều là nhà phân phối lại từ XPCC và chính phủ TQ. Qua các công ty này, phần lớn lợi nhuận quay trở lại với người nông dân Tân Cương. Và mới đây nhất, TQ đã cố gắng bán cà chua của Tân Cương tới Đông Âu thông qua “một vành đai, một con đường”. Và sau chuyến thăm Italy mới đây của ông Tập vào tháng 3, không thể biết được Italy có quan tâm tới cà chua của Tân Cương hay không. Truyền thông của phương Tây sẽ không cho bạn biết đâu.
Cuối cùng, chúng ta sẽ nói về các nông sản chính là lúa gạo, bắp và lúa mì. Những thực phẩm cực kỳ quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta và đối với các động vật như lợn, gà và các loại động vật sản xuất thịt và sữa.
Sau đây là bảng so sánh top 4 sản xuất lương thực trên thế giới:
Đất canh tác: TQ (1086) Ấn (1579) EU (1091) US (1631) đơn vị 1000km2
Gạo: TQ (208.1) Ấn (169.5) EU (3.1) US (9.2) đơn vị triệu tấn
Lúa mì: TQ (134.3) Ấn (98.5) EU (150.2) US (47.3) đơn vị triệu tấn
Ngô: TQ (57.3) Ấn (26.0) EU (60.9) US (366.2) đơn vị triệu tấn
Rõ ràng là Trung Quốc đứng đầu. Tuy nhiên với 1,4 tỷ dân thì sản lượng này “vừa đủ” nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn “ăn no” mà Trung Quốc đề ra so với các nước Âu Mỹ.
Gần đây sản lượng của Trung Quốc vẫn chưa thể theo kịp tiêu chuẩn của Âu Mỹ vì đất nông nghiệp đang dần chuyển mục đích sang đất công nghiệp.
Địa điểm 7: Hình Đài, Hà Bắc, Trung Quốc 37°35’54.1″N 114°55’20.8″E
Để chứng minh rằng người Trung Quốc đang dần hết đất, chúng ta hãy đến với vùng châu thổ Bắc Trung Hoa, nơi trồng phần lớn lương thực của TQ. (Ảnh vệ tinh ở khoảng cách 1500km).
Điều này thực sự làm cho nhiều người lo sợ. Phần đất xanh chính là đồng ruộng canh tác, phần chấm trắng là làng xã, chấm trắng nhỏ ứng với 500 người, chấm trắng lớn ứng với 10,000 tới 100,000 người.
Thực tế là người ta đang xây nhiều nhà hơn trên những vùng đất canh tác, và sẽ làm cạn kiệt nguồn đất này. Mỗi năm, Trung Quốc mất 3,000km2 đất trồng trọt, và chính quyền trung ương làm rất chặt các luật lệ về đất đai để hạn chế tình trạng đáng báo động này.
Địa điểm 8: Thanh Dương, Cam Túc, Trung Quốc 35°41’00.7″N 107°40’38.3″E
Việc suy giảm nguồn đất canh tác đã là một trong những vấn đề chính quyền Trung Quốc quan tâm nhất từ thời Mao Trạch Đông. Ông Mao khi đó đã tiến hành tái canh tác trên hàng loạt vùng đồi núi và điển hình là Cao Nguyên Hoàng Thổ.
Đây là 640,000 km2 cao nguyên vốn không thể canh tác được, bạn có thể thấy tất cả các thung lũng, tất cả các ngọn đồi được chuyển đổi thành đất trồng trọt. Từ trên cao, tất cả những vùng đất canh tác nhìn như “rễ cây”.
Chỉ cần phóng to bất kỳ nơi nào, bạn sẽ thấy tất cả các ngọn đồi đều được cải tạo thành ruộng bậc thang.
Tuy nhiên, việc này gây ra xói mòn đất và lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa. nhưng lại không tăng thêm quỹ đất canh tác. Từ năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dừng việc làm ruộng như vậy và thực hiện chiến dịch “Trả Đất Về Rừng (退耕还林)”.
Hình trên cho thấy tác động của việc trồng rừng. Đây là bằng chứng cho thấy sau nhiều bài học, ĐCSTQ đã dần dần nắm được chìa khóa để phát triển bền vững.Tập Cận Bình từng nói: “Trung Quốc đánh giá cao việc bảo vệ sinh thái và môi trường. Với niềm tin rằng nước biển trong vắt và những ngọn núi xanh tươi là tài sản vô giá, đất nước chủ trương cùng tồn tại hài hòa giữa con người và thiên nhiên, và dựa vào con đường phát triển xanh và bền vững.”
Đó không phải là những lời nói sáo rỗng. Mỗi “câu chữ” đều được hỗ trợ bởi các hành động thực tế. Nhiều người bên ngoài Trung Quốc có thể tự hỏi tại sao người Trung Quốc Đại lục vẫn thích Tập Cận Bình. Một trong những lý do là ông tái cấu trúc bộ máy quan liêu cũ của Trung Quốc để tập trung hơn vào môi trường. Ví dụ, các quan chức môi trường địa phương hiện có thẩm quyền luận tội lãnh đạo địa phương nếu khu vực này đã làm kém trong phát triển bền vững.
Kết quả của chương trình “Trả Đất Về Rừng” chắc chắn là nguyên nhân làm giảm diện tích đất canh tác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp sự suy thoái đất canh tác, nhờ sự đầu tư lớn vào công nghệ nông nghiệp, hiệu quả nông nghiệp vẫn được cải thiện, khiến sản lượng cây trồng trong nước vẫn tăng.
Một ví dụ là công nghệ mới cho phép trồng lúa bằng nước biển mặn.
Mặc dù sản lượng cây trồng trong nước tăng, Trung Quốc vẫn không tự chủ về lúa, lúa mì và ngô. Trung Quốc phải nhập khẩu 10% lượng tiêu thụ hàng năm từ nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết trong số chúng không phải dành cho con người tiêu thụ
Ví dụ 1: Sản xuất bia và rượu trắng
Kể từ năm 2006, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với 46,5438 triệu nghìn lít, cao gấp đôi so với Mỹ. Trung Quốc đã tăng 4,9% sản lượng hàng năm. Ngoài lúa mì, Trung Quốc phải nhập khẩu hầu hết hoa bia cho các nhà máy từ Đức và Hoa Kỳ.
Và Trung Quốc cũng là nhà sản xuất rượu mạnh hàng đầu thế giới. Người Trung Quốc có thể không thích Whisky hoặc Volka. Hầu hết họ uống rượu trắng, có mùi thơm hơn và giàu hương vị. Sản lượng rượu trắng là khoảng 13,6 triệu nghìn lít, nhiều hơn nhiều so với phương Tây có thể tiêu thụ. Và rượu gạo địa phương được sản xuất bởi các hộ gia đình Trung Quốc thậm chí không được tính!
Ví dụ 2: Nuôi lợn và thịt lợn
Biểu đồ trên chỉ cho thấy người Trung Quốc thích ăn thịt lợn đến mức nào. Một số con lợn được nuôi ở Trung Quốc được cho ăn ngô nhập từ Mỹ và Brazil. Điều này cũng áp dụng cho gà, gia súc và các động vật khác được nuôi ở Trung Quốc.
Kết luận
Trung Quốc có thể cung cấp đủ lương thực không chỉ mỗi gạo hay lúa mì. Thực phẩm trên bàn ăn người Trung Quốc đa dạng và rẻ hơn nhiều so với hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Điều này cũng đúng với “người nghèo”. Đó là dựa trên kinh nghiệm và quan sát cá nhân của tôi sau khi đi du lịch từ nhiều quốc gia ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Ví dụ, ở Trung Quốc, một nhóm tám người có thể ngồi ở bàn tròn, thưởng thức 20 món ăn khác nhau bao gồm thịt, rau, tráng miệng, v.v… Họ không phải lo lắng về những luật lệ tôn giáo, lo ngại dị ứng và không gian cá nhân.
Ở Sơn Đông, tổng chi phí cho bữa tối khoảng 50 đô la. Một bàn 20 món ăn tương tự có thể có giá 150 đô la ở Bắc Kinh / Thượng Hải / Đài Bắc hoặc 300 đô la ở California / Nhật Bản / Hồng Kông, v.v. Và chúng ta không tính các loại bia và đồ uống. Trên thực tế, hầu hết mọi người ở California / Nhật Bản không đủ điều kiện để thưởng thức 20 món ăn khác nhau nhưng ở Trung Quốc thì điều này phổ biến hơn.Sau bài viết cực kỳ dài này, tôi hy vọng bạn có thể hiểu một cái gì đó mới về Trung Quốc và biết làm thế nào người Trung Quốc có thể tự nuôi sống bản thân mình, nhiều hơn chỉ là “đủ ăn”.
Nguồn: otofun.net dịch từ quora.com
o0o
❥❥❥ FOLLOW Chân Đất & Cóc: 📚 Chân Đất Blog: chandat.net 💻 Chân Đất Channel: youtube.com/@chandatvn 🤝 Chân Đất Bang: fb.com/groups/chandatbang 🤝 Chân Đất Fanpage: fb.com/chandatpage 🛒 Chân Đất Shop: chandat.net/shop 🤖 Chân Đất Discord: chandat.net/dsc 🐸 Facebook Cóc Admin: fb.com/luckyluke1080 🐸 Nhà Của Cóc: youtube.com/@nhacoc 📧 Email liên hệ: admin@chandat.net🎁 Chân Đất Shop: Dịch vụ 5 sao, bảo hành chu đáo ✅ Youtube Premium: chandat.net/yt
✅ MS Office 365: chandat.net/365
✅ Canva Pro: chandat.net/cv
✅ ChatGPT Plus: chandat.net/gpt