Cải cách giảng dạy Tiếng Việt: Rộng đường lựa chọn
— quan điểm của Nguyen Ngoc Chu —
Giáo dục Việt Nam đang tụt dốc nghiêm trọng. Góp phần chấn hưng giáo dục là nhiệm vụ của mọi người dân. Ở bình diện này, nghiên cứu cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại và các cộng sự rất đáng hoan nghênh, không có gì phải bàn cãi.
Nhưng tại sao người dân trong xã hội lại đang bất an? Chỉ là một đề tài nghiên cứu và thực nghiệm khoa học giáo dục như hàng vạn đề tài khác mà lại làm cho xã hội lo lắng?
Đó là vì người dân lo sợ Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng phương pháp dạy phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại trên bình diện rộng toàn quốc. Mấu chốt vấn đề nằm ở điểm này. Nhưng trước khi đề cập đến điểm mấu chốt, hãy ngó sang vài điểm khác.
Bài viết này không đi vào phân tích về phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại. Mà xác định nguyên do làm vấn đề phát sinh. Từ đó mà đề xuất giải pháp.
Tại sao phải lên tiếng?
Trước đây dư luận đã râm ran về đề tài cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền. Nhưng công trình cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền vô nghĩa, và sẽ không bao giờ được sử dụng trong thực tiễn. Tất yếu sẽ không dẫn đến hậu quả tai hại. Nên chưa bao giờ bàn đến đề tài ông Bùi Hiền.
Nhưng nay thì khác. Cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại là một công trình nghiên cứu nhận được sự ủng hộ công khai của lãnh đạo cấp cao và của Bộ GD&ĐT xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ. Bởi thế nên chương trình của GS Hồ Ngọc Đại đã được trải nghiệm thực tế nhiều năm, ở một số trường. Không chỉ dừng ở cách phát âm tiếng Việt, nhóm của GS Hồ Ngọc Đại còn đưa ra các phương pháp giảng dạy mới. Đó là những cố gắng nhằm thay đổi các phương pháp giáo dục truyền thống, cho một mục tiêu đổi mới và hoàn thiện phương pháp giáo dục.
Điều ngạc nhiên nằm ở chỗ, chưa bao giờ phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại lại được dư luận quan tâm nóng đến mức lo lắng như bây giờ. Đó là lúc Bộ GD& ĐT để ngỏ khả năng nhân rộng mô hình của GS Hồ Ngọc Đại lên mức số đông đại chúng trong cả nước, song hành cùng với chương trình cải cách tổng thể.
Từ chỉ một số trường, đến nay buộc thầy cô giáo phải học theo cách phát âm mới của GS Hồ Ngọc Đại để đi dạy cho học sinh nhiều trường trên toàn quốc – nguy cơ áp đặt đại chúng đã là một trong những nguyên nhân làm cho người dân bất an.
Bởi thế, nếu không nhìn đúng bản chất vấn đề, chỉ lao vào tranh cãi những vấn đề kỹ thuật, thì sự việc sẽ còn tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của nhân dân hơn nữa. Cho nên mạo muội lưu ý đôi điều.
3 điều lo lắng của dân
Đáng ra những cải tiến phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại phải mang đến niềm vui. Nhưng tại sao ngược lại, làm xã hội lo lắng? Trước hết xin nêu ra 3 điều lo lắng dưới đây của người dân.
1. Giáo dục Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng. Sự xuống cấp của giáo dục kéo theo sự tụt dốc về dân trí, và hệ quả là sự tụt hậu của quốc gia. Từ những năm 1980 cho đến nay Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều biện pháp cải cách giáo dục. Nhưng tất cả các biện pháp đó đều cho kết quả xấu. Bởi thế, mọi sự đề xuất mới về cải cách giáo dục đều tự động khiến mọi người dân giật mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến điều lo lắng đầu tiên khi nghe đến chương trình cải cách phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.
2. Cải cách phát âm tiếng Việt không đơn thuần chỉ là cách phát âm, mà kéo theo là phải đào tạo giáo viên, là phải mua các bộ sách giáo khoa và các đồ dùng giảng dạy mới, không chỉ một năm mà nhiều năm. Hệ quả là các bậc phụ huynh phải trả một khoản tiền không nhỏ. Đó là điều lo lắng thứ hai.
3. Chưa nhìn thấy cái lợi của việc thay đổi cách phát âm. Chỉ thấy lạ và chưa thuận tiện. Cho nên không muốn con cái mình trở thành vật thí nghiệm mới. Một sự sợ hãi bị thí nghiệm đã thành thói quen phát sinh từ các thí nghiệm thất bại của Bộ GD&ĐT bắt đầu từ những năm 1980. Đó là nỗi lo lắng thứ ba.
Độc quyền áp đặt thị trường
Chiếu theo quy luật thị trường, đề tài cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại nếu có giá trị thì sẽ được pháp luật bảo vệ về mặt phát minh sáng chế. Ai muốn sử dụng thì phải trả tiền. GS Hồ Ngọc Đại nhờ thế mà có thể kiếm được tiền từ bán bản quyền dạy phát âm tiếng Việt của ông.
GS Hồ Ngọc Đại cũng có thể tự thành lập trường riêng, chiêu sinh, thu học phí, đào tạo theo cách của ông. Ông tự đào tạo giáo viên theo phương pháp của ông và trả tiền cho các giáo viên dạy ở trường của ông. Phụ huynh muốn con em mình học ở trường của GS Hồ Ngọc Đại thì tự đến ghi tên đóng học phí theo quy định của nhà trường. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, không ép buộc bất cứ trường, lớp nào phải học theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.
Nếu được như thế thì đã không sinh chuyện. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, ở nước ta, không ai cho phép bạn được đào tạo theo phương pháp của mình. Sự độc quyền toàn tập không loại trừ ngành Giáo dục. Mọi thứ phải được phép của Bộ GD&ĐT. Phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại còn lâu mới được chào đời, nếu ông không được sự hỗ trợ từ lãnh đạo cao nhất. Nhờ thế ông mới đục vỡ được một mảng của bức tường độc quyền giáo dục.
Ở mặt quan trọng khác, công trình nghiên cứu và triển khai thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại dựa hoàn toàn vào kinh phí nhà nước.
Do độc quyền, Bộ GD& ĐT đã không tuân theo quy luật thị trường, không theo nhu cầu của người tiêu dùng, mà áp đặt chính sách đào tạo của mình trên toàn quốc.
Trong số đó, không được phản biện một cách khoa học, không được thực nghiệm một cách dài lâu, Bộ GD &ĐT đã thực thi chính sách áp đặt, bắt hàng loạt trường phải học theo chương trình VNEN, ngoài ra khoanh vùng một số trường học theo chương trình của GS Hồ Ngọc Đại. Bắt nguồn từ phía sau là lợi ích của các nhóm buôn bán sách giáo khoa. Dẫn đến sự phẫn nộ của người dân trong cả nước.
Tóm lai, sự độc quyền đẻ ra chính sách áp đặt thị trường, là nguyên nhân sâu xa mang đến các phiền toái cho người dân.
Phản biện chỉ tốt hơn
Chúng ta ủng hộ cho sự cạnh tranh lành mạnh để Giáo dục Việt Nam thoát khỏi sự độc quyền. Có nhiều bộ sách giáo khoa với hàm lượng khoa học cao là điều rất mừng. Để giải một bài toán, có thể có nhiều cách. Vì vậy tồn tại nhiều phương phức giáo dục là điều rất bình thường, miễn là đúng, không độc hại. Nhưng chỉ có những phương thức thực sự khoa học mới có tuổi thọ cao.
Những phản biện của xã hội trong tuần qua sẽ làm cho nhóm nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại không phải nổi giận hay buồn chán, bào chữa hay ngụy biện, mà nghiêm túc nghiên cứu để thêm hoàn thiện. Chính phản biện mới tạo nên con đường đến chân lý.
Ngược trở lại, chúng ta hãy bình tâm. Đề tài của GS Hồ Ngọc Đại là một công trình nghiên cứu khoa học đã có quá trình, tuy có điểm mạnh điểm yếu, nhưng đã được thực tế kiểm nghiệm một phần. Phản biện, chỉ ra cái khiếm khuyết là giúp cho công trình thêm hoàn thiện. Điều mà tất cả chúng ta đang lo lắng là nếu một công trình nghiên cứu khoa học chưa hoàn thiện, còn khiếm khuyết mà lại bắt buộc áp dụng đại trà trong thực tế thì sẽ vô cùng nguy hại. Giải pháp cho vấn đề này sẽ được đề cập ở phần sau.
Những ý kiến phản biện lại phương pháp cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại là rất đáng trân trọng, cần nghiên cứu một cách thành tâm và khoa học. Lướt qua các ý kiến phản biện, thì thấy mấy nhóm vấn đề sau đây phải được làm sáng tỏ hơn nữa.
1. TÍNH KHOA HỌC. Mọi cải cách đều phải dựa trên gốc khoa học. Cách phát âm mới có khoa học, có chính xác, có làm cho tiếng Việt thêm chặt chẽ và trong sáng? Có làm cho tiếng Việt bị hiểu nước đôi, không nhất quán? Những điểm nào còn thiếu căn cứ khoa học phải tiếp tục hoàn chinh?
2. TÍNH VƯỢT TRỘI. Học sinh học theo phương pháp mới có giỏi tiếng Việt hơn không? Có biết viết, biết đọc nhanh hơn không? Có điều gì vượt trội hay chỉ vụn vặt?
Nếu cải cách phải chịu nhiều sự tốn kém, mà không đưa lại những hiệu quả vượt trội thì có đáng cải cách hay không?
3. TÍNH GIẢN TIỆN. Nếu phương pháp mới phải được đào tạo rối rắm mới dạy được, trong khi phương pháp cũ các bậc phụ huynh đều có thể dạy cho con cái, thì có phải phương pháp mới đã thua về tính giản tiện và tính sử dụng hay không? Để dạy cho người nước ngoài thì phương pháp mới có lợi thế hơn không?
Đừng quên một nguyên tắc cốt lõi của giáo dục là biến phức tạp thành đơn giản chứ không phải ngược lại.
Đặc biệt với trẻ thơ rất cần đơn giản. Muốn rèn luyện cho trẻ thơ tư duy logic thì phải đơn giản. Đơn giản là thủy tổ của logic.
Vậy liệu phương pháp cải cách tiếng Việt mới có biến điều đơn giản thành điều phức tạp không?
4. TÍNH KẾ THỪA. Phương pháp mới có gây xáo trộn trong tiếng Việt về cả ngôn ngữ lẫn in ấn xuất bản? Liệu có làm mâu thuẫn các khoa học khác khi sử dụng thuật ngữ gốc La Tinh? Nên nhở tiếng Việt có chữ cái La Tinh. Mọi sự đổi thay phải mang tính kế thừa và không chứa đựng mâu thuẫn.
5. TÍNH KINH TẾ. Phương pháp mới có kéo theo những chi phí đắt đỏ? Nguồn tài chính nào sẽ bù đắp cho công tác nghiên cứu? Nguồn tài chính nào sẽ bù đắp cho triển khai thực hành?
Dùng 5 tiêu chí trên mà chiếu rọi tất sẽ nhận ra được những cải cách của GS Hồ Ngọc Đại có thiếu sót và ưu điểm gì. 5 điều nêu trên mang tính thước đo gợi mở.
Giải pháp
Nghiên cứu cải tiến phương pháp giáo dục bao giờ cũng là điều đáng quý. Những nghiên cứu có giá trị cần phải được khuyến khích. Nhưng muốn biết có giá trị đích thực hay không thì cần quan sát từ hai góc độ: Giá trị khoa học và Giá trị thị trường. Hai nhân tố đó mới là các thước đo chính xác nhất về giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học.
Công trình của GS Hồ Ngọc Đại nếu được sinh ra và phát triển trong một cơ chế thị trường thì đã không tạo nên những phản ứng dữ dội như bây giờ.
Cũng sòng phẳng, cải tiến tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại sẽ chẳng được đưa vào thực nghiệm ở một trường và ở nhiều trường liên tục trong mấy chục năm qua nếu GS Hồ Ngọc Đại không có được vị trí xã hội mà ông đã có. Chính vị trí đó cùng với thể chế áp đặt, cả hai nhân tố đó kết hợp, cộng với nỗ lực của ông, mới thúc đẩy đưa các nghiên cứu cải cách phát âm tiếng Việt của ông được thực thi trên một bình diện như hiện nay.
Về mặt Giá trị khoa học, những cải tiến của GS Hồ Ngọc Đại chưa thể hiện đạt mức sáng tạo chìa khóa. Công trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng lại nhờ vào kinh phí nhà nước, không phải tự thu tự chi nên Giá trị thị trường đang ở mức chưa chứng minh.
Cũng cần lưu ý đến 4 từ “Công Nghệ Giáo Dục”, chưa phản ánh đúng nội dung cải tiến tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại, chịu hơi hướng của mốt quảng bá thị trường, ngôn từ âm vang mà rời xa thuộc tính sát thực của khoa học.
Phương pháp dạy phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại đã có chỗ đứng trong thực tế. Dẫu còn nhiều điều bàn luận, nhưng nó cần được tiếp tục phát triển. Chúng ta đón nhận, phản biện để nó ngày càng hoàn thiện.
Điều cần nhấn mạnh là phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại phải từng bước tự lập, mà không mãi đeo đẳng ký sinh vào cơ thể khác. Từ đây, Bộ GD& ĐT không áp đặt cho bất cứ trường, lớp nào phải theo học phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.
Điều mà người dân lo lắng chính là sự áp đặt. Nếu giải phóng sự áp đặt tức khắc sẽ giải tỏa hết lo lắng của người dân, và phá tan các nước cờ đang bí trong đầu lãnh đạo.
Bởi thế, giải pháp cho tình trạng hiên nay nên đi theo hướng mở sau đây.
1. Bộ GD&ĐT không áp đặt hay định hướng cho bất cứ trường nào phải dạy theo phương pháp cải tiến phát âm tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.
2. Mở ra khả năng cho phép phụ huynh được lựa chọn phương pháp dạy tiếng Việt.
3. Mở ra khả năng cho phép các trường dựa trên ý kiến của phụ huynh để quyết định tự chọn phương pháp dạy tiếng Việt mới, cho cả trường hay cho một số lớp.
4. Giáo viên được quyền tự chọn phương pháp dạy tiếng Việt.
5. Các trường có lớp học theo cách phát âm mới sẽ tự đào tạo giáo viên.
6. Quá trình trên phải được triển khai mở rộng dần theo một lộ trình mà thị trường đã được nghiên cứu cẩn trọng.
Cần sòng phẳng rằng, Nhân dân chào đón mọi sự cải cách giáo dục mang bản chất khoa học, vì lợi ích quốc gia. Nhưng cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua bị các nhóm lợi ích bẻ lái dẫn đến những thất bại cay đắng. Cuộc cải cách chương trình giáo dục tổng thể hiện nay cũng không thoát được nanh vuốt của các nhóm lợi ích.
Điểm lại, tất cả các cuộc cải cách giáo dục đều dựa hoàn toàn vào kinh phí nhà nước chứ không phải tự thu chi. Nội dung cải cách không đúng. Chi tiêu hoang phí. Đem sự nghiệp giáo dục nhiều thế hệ ra để thử nghiệm không chút xót thương, lương tâm không mảy may áy náy. Đã thế còn tìm mọi cách để tận thu tiền của học sinh và phụ huynh. Cho nên, nghe nói đến cải cách giáo dục là người dân giật mình hốt hoảng và phẫn nộ.
Nhóm cải cách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại có thánh thiện đến đâu, nếu muốn triển khai thành công chương trình cải cách tiếng Việt trên diện rộng, thì cũng không thoát được vòng kiêm toả của các nhóm lợi ích. Đó là điều người dân cảm nhận được mà lo lắng, rằng vì áp đặt ồ ạt mà đốt cháy giai đoạn như chương trình VNEN trước đây.
Mọi chính sách đề ra dù tốt đến đâu cũng thất bại nếu người thực thi kém. Ngược lại, một người thực thi giỏi sẽ bù đắp được những khiếm khyết chưa thể bao quát hết của một chính sách cơ bản đúng. Bởi thế cần có cả hai nhân tố vừa nêu: Chính sách đúng và người thực thi giỏi.
Bộ GD&ĐT cần phải mở cửa cho tự do lựa chọn chương trình và phương thức đào tạo mà không áp đặt. Bộ chỉ giữ vai trò định hướng khung và thực thi kiểm soát. Chỉ có tự do cạnh tranh trong giáo dục mới góp phần đưa giáo dục thoát ra khỏi hoàn cảnh tụt hậu hiện nay. Tự do cạnh tranh không chỉ trong lựa chọn giáo trình và phương thức giảng dạy. Mà cần hơn nữa là sự tự do cạnh tranh vị trí người đảm nhiệm chức năng thực thi ở mọi cấp độ. Tiếc thay, vẫn còn là ước mơ dài lâu.
o0o
Chương trình công nghệ giáo dục: tranh luận, tranh cãi, và đấu tố
— quan điểm của Ho Quoc Tuan —
Việc mọi người đang bàn luận về chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) khiến mình được xem một bức tranh tổng thể rất thú vị. Một vài điểm mình rút ra:
1. Có rất nhiều người học theo cách CNGD từ lâu (học trường thực nghiệm), từ GS Ngô Bảo Châu, tới mấy thằng bạn keo kiệt của tui làm Silicôn Vali, invétmờn băn ở Việt Nam, nhà báo ở mấy tờ báo Mỹ hay thậm chí là hậu trường viết kịch bản cho sâu-bít ở Hôlywút. Các bạn ấy không bị điên và nói năng đàng hoàng, biết viết chữ đàng hoàng.
2. Mấy người học chương trình bình thường như tui và nhiều bạn ở đây cũng không bị điên.
Vậy nghĩa là học cái gì cũng được. Học cái gì ở mấy lớp dưới mà lên đại học gặp mấy người như tui dạy thì cũng không có khả nổi đâu.
3. Thế thì tùy trường nào chọn chương trình nào, và học sinh học cái nào rồi cũng có đứa giỏi, đứa dở. Tùy nhà, tùy điều kiện mà chọn trường.
Rốt cuộc, đây có vẻ chỉ là việc chia bánh trong nội bộ của các bác ở trên Bộ, nhưng chắc có bất đồng nên các bên chia phe vận động dư luận vào cuộc. Từ nhà báo, GS-TS chuyên ngành lẫn không chuyên ngành, facebookers có tiếng đều lên tiếng cả. Mỗi bên chọn 1 phe liên tục bắn phá nhau.
Rất may mình từ chối viết 1 bài bình luận con con trên báo tuần trước nên mình cố giữ trung lập tới giờ (một trong những nguyên nhân chính là 1 trong những thằng bạn rất giỏi và rất thân hơn mấy chục năm của mình học cái chương trình CNGD gì đó, nên nói bậy nó vả không còn răng mà ăn cháo).
4. Cái vụ đánh vần chỉ là 1 góc nhỏ trong một cái chương trình mới trị giá nghìn tỷ đã triển khai từ lâu (và cũng bị chống từ lâu). Sách và chương trình của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là 1 phần trong chương trình đó.
Cái bánh của người cũ sẽ bị chia bởi cái bánh mới, và có người sợ chương trình mới có vấn đề, thế nên trong nhóm chống thì cũng có 2 nhóm: chống vì lợi ích và chống vì quan ngại thật sự. Nhưng phần lớn tranh luận đi vào chuyện đánh vần, bỏ quên big picture. Zing có vài bài đề cập chương trình mới và vài con số tiền trăm tỷ, nghe đồn đây là 1 thương vụ nghìn tỷ hoặc hơn.
GS Nguyễn Tiến Dũng có có phản biện nhiều vấn đề hơn về chương trình của thầy Đại. Nhưng quan trọng là không thấy ai phản biện chương trình hiện tại với chương trình thầy Đại thì cái nào hơn, về tổng thể.
Và xin lưu ý vụ đánh vần khác với sửa tiếng Việt. GS Hồ Ngọc Đại không kêu sửa cách viết chữ. Xin đừng nhầm lẫn vụ này mà mắng oan thầy ấy. Vụ sửa cách viết chữ thì tui chống, vì nó buộc tui phải học cách viết mới, không có rảnh.
5. Cuộc tranh luận nhanh chóng biến thành sỉ vả, tranh cãi và đấu tố (có người đòi đưa GS Hồ Ngọc Đại lên đối chất với dân!!!).
6. Một số chuyên gia lên kêu gọi tranh luận đúng cách, tránh ngụy biện, đưa ra phương pháp tranh luận để đi đến … chân lý.
Nhưng số đông người ta lên mạng bày tỏ ý kiến cá nhân chứ có phải tìm chân lý gì đâu??? Người ta đang bức xúc vì muôn điều trong cuộc sống (bị thằng nào đó quẹt phải chạy luôn hay nhà kế bên làm ồn), thì trút giận lên CNGD, bạn vào dạy đời người ta nữa thì …
7. Bản chất con người là khó thay đổi quan điểm cho dù họ nhận được thông tin mới, đáng tin cậy đi ngược lại quan điểm của họ (ứng cử viên Nobel kinh tế tương lai kiêm tác giả nổi tiếng Acemoglu có model show chuyện này).
Vì vậy, đừng mong đợi người ta bàn luận có lý trí, bài bản, đúng logic tranh luận gì gì, họ sẽ tranh luận cho đến tranh cãi theo quan điểm của họ, dựa trên kinh nghiệm và tình cảm-quan điểm-suy nghĩ của đám đông bạn bè, đồng nghiệp họ gặp hàng ngày. Và do đó, chỉ nên tôn trọng sự khác biệt thay vì cố gắng thuyết phục họ rồi khi họ không đồng ý thì … sỉ vả họ.
8. Anh Huỳnh Thế Du có cảnh báo về một góc khác là cứ đi chống lại CNGD thì vô tình tiếp tay cho độc quyền SGK. Cái này thì mình cho là có thể đúng (không dám chắc vì ai biết các bác trên kia đang tính gì), nhưng mình nghĩ bản thân SGK đã là một cuộc chơi nghìn tỷ từ lâu, nó biến tướng từ độc quyền thành thị trường vô kỷ luật thì không biết tác hại nào lớn hơn.
Bản thân giáo dục không thể tốt hơn nếu chỉ áp cái cơ chế thị trường cho sách giáo khoa (mà thiếu kiểm soát). Người chọn SGK để dạy không phải là người tiêu dùng cuối cùng sản phẩm (các học sinh), mà là các hiệu trưởng các trường, nên không có gì đảm bảo họ sẽ chọn cuốn sách có lợi nhất cho học sinh, họ sẽ chọn cuốn sách có lợi nhất cho họ (chia hoa hồng cao nhất, vì quan hệ, v.v.).
9. Cơ bản muốn nâng tầm giáo dục là phải đầu tư tốt cho thầy cô giáo và học sinh, để lợi ích và động lực của thầy cô giáo đi cùng chiều với lợi ích học sinh, và thầy cô giáo lấy việc dạy tốt học sinh trong lớp làm động lực tiên quyết nhất. Trước tiên là họ phải sống được với nghề mà không phải dạy thêm và có thời gian tái đầu tư cho bản thân. Và phải chọn những người giỏi nhất vào làm thầy cô giáo. Muốn vậy thì thầy cô giáo phải được trả lương tốt, sống tốt (chứ không phải là sống được). Muốn người ta làm người tử tế thì phải tạo điều kiện đã.
10. Tóm lại muốn giáo dục phát triển cần đầu tư rất nhiều tiền vào thầy cô giáo. Đây là điều mà VN đang lagging các nước mà nó muốn đuổi kịp rất xa (đọc báo cáo East Asia Update April 2018 của WB sẽ rõ). Mà VN không có tiền đầu tư vào thầy cô giáo vì các bác đang bận đầu tư tiền vào SGK (nồi cơm lớn của nhiều người rất to ở Bộ và các Sở GD).
Còn vì sao cái gì ra mới mà hơi lạ thì dân chửi? Vì nhiều vị làm chính sách làm bậy, còn lên phát biểu khiến dân sôi máu, bây giờ dân thấy có cái gì lạ, không giống cái mà họ quen, thì họ chửi cho đỡ tức. Mà môi trường như vậy thì dần dần không ai dám làm cái gì mới hết. Vicious cycle (mình gọi là vòng tròn nghiệt ngã của cái sự tụt hậu của VN).
Mình xin nhận đá, nhưng mình xin có thể không reply lại các comments bàn chuyên sâu về đánh vần, v.v. vì mình không biết gì. Bạn có thể refer tới point 1 và 2 ở trên nếu muốn bàn sâu về mấy chuyện đó. Những vấn đề khác thì tùy mình biết gì để comment hay không, và cuối cùng thì đôi khi chúng ta chỉ nên agree to disagree, nên giữ thái độ hòa nhã. Đời đã mệt sao còn phải lên FB chuốc lấy phiền toái.
Vài thông tin ngược chiều nhau của những influencers và báo chí:
GS Nguyễn Tiến Dũng phản biện GS Hồ Ngọc Đại, có mention GS Ngô Bảo Châu (lâu rồi)
Bài trên Giaoduc.net.vn (nhiều quan điểm rất chống vụ chương trình mới)
o0o
Nếu bạn quan tâm thì có thể xem thêm 2 bài này:
Chương trình Công Nghệ Giáo Dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có tốt hay không?