Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn khái quát về Đặc Khu Kinh Tế, và nó có những tác động tích cực, tiêu cực gì đến nước ta.
Đặc Khu Kinh Tế là gì?
Đầu tiên, bạn nào có tư tưởng ủng hộ – phản đối đặc khu 1 cách cực đoan thì đừng đọc, bạn sẽ thất vọng. Và nếu đọc mong bạn bình tĩnh đọc hết.
Về lý thuyết, đặc khu kinh tế (Special Economic Zone) này bao gồm gì? Đặc khu, tức là nơi mà mọi qui định, luật, thuế, chi phí thông thường đều được giảm và đơn giản hóa với mục đích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến. Một loạt chính sách ưu đãi về tiền tệ ngân hàng, đất đai, giao thông, thuế suất sẽ được áp dụng ở các đặc khu. Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất có thể sẽ cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, được phép lưu thông ngoại tệ bên trong đặc khu. Nói tóm lại, đặc khu kinh tế là nơi mà mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để đầu tư kinh doanh. Đó tất nhiên vẫn là lãnh thổ của Việt Nam và phải đặt dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Nếu có mâu thuẫn gì về kinh tế giữa các công ty với nhau có thể lôi ra tòa án quốc tế nhưng về vấn đề xã hội thì vẫn dưới luật của Việt Nam. Còn chuyện đặc khu cho người nước ngoài vào rồi đồng hóa, quân sự hóa này nọ thì mình thật sự thấy nó quá nhảm để quan tâm.
Vậy đặc khu mang lại lợi ích gì cho Việt Nam?
– Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng, với hơn 1.5 triệu tỉ đầu tư vào các dự án cảng biển, sân bay, đường cao tốc, hệ thống giao thông ở những vùng này nói chung và các khu vực lân cận nói riêng sẽ được hiện đại hóa, mở thêm đường giao thông với quốc tế. Chưa kể,việc bơm rất nhiều tiền đầu tư sẽ tạo công việc cho ngành xây dựng, vận tải,..vv và “tăng GDP”. Nếu đúng như dự kiến, 1.57 triệu tỉ VND, khoảng 69 tỉ USD sẽ được đổ vào thị trường trong thập kỉ tới, làm GDP “tăng” thêm vài % mỗi năm. Tất nhiên đấy chỉ là cái lợi trước mắt.
– Việt Nam hiện đang qui hoạch 3 đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Theo như bản nháp qui hoạch, ngoài những dự án khổng lồ về cơ sở hạ tầng là những dự án BĐS cao cấp, khu đô thị, resort, casino và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ là những dự án về công nghệ cao. Trong đó, Phú Quốc đã nổi lên từ nhiều năm nay là 1 điểm thu hút đầu tư lớn trong và ngoài nước với hàng chục dự án bất động sản cao cấp. Phú Quốc cx được “qui hoạch” là đặc khu giàu nhất. Cụ thể, theo tính toán của bộ KHĐT:
- Vân Đồn sẽ đóng góp cho nhà nước từ thuế, phí và nguồn thu từ đất là 4 tỉ USD, doanh nghiệp tạo ra giá trị là 9.7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030
- Bắc Vân Phong đóng góp cho nhà nước là 2.2 tỉ USD, doanh nghiệp tạo ra 10 tỉ USD giai đoạn 2017-2030
- Phú Quốc đóng góp cho nhà nước 3.3 tỉ USD và các doanh nghiệp tạo ra 19 tỉ USD giai đoạn 2017-2030, tức là bằng cả 2 khu kia cộng lại.
Tổng 3 lại là 39 tỉ USD cho doanh nghiệp trong và ngoài nước và 9.5 tỉ USD cho nhà nước trong 1 thập kỉ. Con số đó nghe lớn không? GDP của Việt Nam năm 2017 là 220 tỉ USD, tức là 3 đặc khu đóng góp khoảng 4 tỉ USD/năm trong 10 năm tới và có thể nhiều hơn sau đó, cx là 1 con số ấn tượng. Dù thế, con số này khá nhỏ nếu so sánh với 1 số cty như Samsung Việt Nam có doanh thu là … 65.1 tỉ USD năm 2017; 9.5 tỉ USD trong 10 năm cx tương đương với … hơn 2 năm đóng ngân sách của Tập đoàn Dầu khí PVN. Tất nhiên, nói thế thì hơi quá. Quan trọng là quá trình đầu tư sẽ để lại cơ sở hạ tầng tốt và nền tảng vững chắc để các vùng phát triển lâu dài, chứ Samsung sớm muộn gì cũng chia tay Việt Nam, và tài nguyên dầu khí cũng sớm cạn kiệt ( cái nào xảy ra trước thì mình ko biết).
Đấy là cái lợi của đặc khu, còn những tác hại tiềm ẩn thì sao?
– Một trong những bất cập của đặc khu là việc các doanh nghiệp trong nước đến đăng khí trụ sở “ma’ ở đó để tận dụng ưu đãi về thuế. Một ví dụ là ở Ấn Độ: năm 2007, chính phủ Ấn Độ phát hiện hơn 80 trường hợp lạm dụng các ưu đãi của SEZ kiểu này. Hệ thống thuế của Việt Nam còn chưa hoàn thiện và nhiều kẽ hở nên nếu ko có biện pháp, tình trạng doanh nghiệp trốn thuế sẽ trở nên khó kiểm soát hơn. Ấn Độ cũng là quốc gia bị lôi ra soi mỗi khi người ta bàn đến thất bại của đặc khu kinh tế.
– Với khoản đầu tư hơn 1.57 triệu tỉ, có thể còn nhiều hơn, các đặc khu này sẽ trở thành 1 gánh nặng với ngân sách quốc gia nếu ko được như kỳ vọng. Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn trong nước sẽ chiếm phần lớn trong tổng số vốn đầu tư. Ngân sách thì đang ko hề dư dả tẹo nào. Từ năm 2012-2016, mức bội chi luôn ở trên 5% GDP- mức trần mà quốc hội cho phép, bất chấp việc GDP vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân là vì ngân sách của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các cty nhà nước, nhất là PVN, mà giá dầu thô thì vẫn lẹt đẹt ( tính đến 2016), dẫn tới sụt giảm nguồn thu. Hệ thống thuế còn nhiều kẽ hở dẫn tới doanh nghiệp trong nước lách thuế trên diện rộng. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% giá trị, mà doanh nghiệp FDI còn dc nhiều ưu đãi về thuế hơn. Thế nên, đầu tư chục tỉ USD vào các đặc khu này là 1 canh bạc được ăn cả, ngã về không. Được thì nhà nước thu lợi lớn từ việc cho thuê đất và phí các loại, không được thì….
– Định hướng các đặc khu này là phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghệ cao. Hiện nay, chúng ta mới thu hút được các nhà đầu tư vào việc xây dựng hệ thống giao thông và hiện qui hoạch mới chỉ có các dự án khu đô thị, khách sạn, resort, casino..vv Trong đó, Phú Quốc tất nhiên là có phác thảo qui hoạch bài bản nhất. Mình chưa thấy một dự án công nghệ cao nào thật sự thành hình thành dạng. Nếu muốn đầu tư vào cả công nghệ cao thì đòi hỏi phải có tầm nhìn rất dài vì như Vân Đồn đến tận giai đoạn 2026-2030 mới tập trung phát triển lĩnh vực này. Phải có qui hoạch cụ thể từ trước để “để dành” đất, tránh tình trạng xây khu nghiên cứu công nghệ sinh học cạnh….vườn thú với casino. Chưa kể, nếu lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn thì việc bảo vệ môi trường phải được chú trọng. Môi trường ở đây không phải là “thép hay cá” đâu các bạn ạ, mà là rác. Hệ thống xử lí rác, xử lí nước thải phải đủ sức để tiếp nhận số lượng dân cư và khách du lịch tăng đột biến trong những năm tới. Hiện, Phú Quốc có vô số khách sạn, resort nhưng chỉ có 2 bãi tập kết rác và 1 nhà máy rác. Nhà máy chạy thử nghiệm tháng 8 năm ngoái và đã ngừng hoạt động từ….cuối tháng 10.
====
Và cuối cùng, mình muốn nói đến một ý hơi mang tính chủ quan là: các nhà đầu tư từ quốc gia nào sẽ chiếm ƯU THẾ nhất ở những đặc khu kinh tế này. Lưu ý là nhất, vì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, từ Hàn Nhật cho đến Thái, Mã, Seychelles..vv. Nếu xét về 2 yếu tố là tiền và “hứng thú” với Việt Nam thì mình rút gọn còn 4 nước: Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc.
- Mỹ chưa bao giờ có đầu tư gì đáng kể ở Việt Nam. Hơn 70% FDI của Mỹ là vào các quốc gia phát triển. Châu Á chỉ chiếm 15% FDI của Mỹ năm 2015, chủ yếu vào Nhật, Singapore, Hàn, Trung Quốc. Rất khó để các công ty Mỹ trở thành nhà đầu tư chính ở các đặc khu của Việt Nam. Kể cả khi có can thiệp chính trị của chính phủ Mỹ thì việc này cũng khó xảy ra. Tổng thống Mỹ Trump tranh cử trên khẩu hiểu American First, yêu cầu các công ty đầu tư nhiều hơn vào nội địa Mỹ thay vì mở nhà máy ở nước ngoài. Sẽ khó cho Trump khi ông ta phải giải thích với quốc hội, báo chí và những người ủng hộ mình là việc thuê đất của 1 quốc gia bên kia bờ TBD ảnh hưởng gì đến nước Mỹ.
- Hàn Quốc và Nhật là nhà đầu tư lớn thứ nhất và nhì tại Việt Nam. Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều công ty của họ đang hợp tác với chúng ta về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số công ty như Lotte Hàn Quốc còn đang bàn với chính quyền địa phương về việc mở chuỗi cửa hàng ở các đặc khu. Việc Hàn, Nhật là những nhà đầu tư lớn nhất là có cơ sở.
- Tuy vậy, nếu muốn, Trung Quốc có thể đánh bật tất cả các quốc gia trên để trở thành thế lực lớn nhất. Trung Quốc có rất nhiều tiền, đúng nhưng chưa đủ. Họ có khả năng HUY ĐỘNG tiền vì mục đích chính trị rất nhanh. Nếu chính phủ các nước Mỹ Nhật Hàn muốn chi cái gì to to 1 tí, họ phải họp quốc hội tranh luận, chửi bớt nhau chán chê. Còn chính quyền Trung Quốc thì luôn đồng chí hướng với ước mơ đưa Trung Quốc trở thành siêu cường. Họ sẵn sàng ném vài tỉ USD cho doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đi đầu tư như ném 1 bao rác. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có ước mơ “Một vành đai, một con đường”: một siêu dự án nghìn tỉ USD nhằm kết nối Á-Âu-Phi thông qua mạng lưới giao thông và vận tải khổng lồ, sử dụng đường, cảng, đường sắt, sân bay, mạng lưới điện xuyên quốc gia, cáp quang…vv như các bạn thấy trong hình. Tất nhiên, Trung Quốc muốn họ phải nắm những vị trí thiết yếu nhất của mạng lưới này. Trong nhiều năm trở lại đây, TQ đã tiến hành chiêu bài đầu tư rất nhiều tiền vào 1 vị trí chiến lược, sau đó thuê lại với giá rẻ:
- Năm 2010, Trung Quốc đầu tư 1.5 tỉ USD vào làng chài nghèo Hambantota của Sri Lanka với ý định biến đây thành cảng biển lớn thứ 2 Sri Lanka sau Colombo (ảnh). Tuy nhiên, năm 2016, cảng biển này chỉ đạt lợi nhuận hơn 1 triệu USD và chính phủ Sri Lanka nợ Trung Quốc nặng. Kết quả là họ phải bán lại 80% cổ phần ở cảng cho TQ. Cuối năm 2017, TQ chính thức thuê cảng này với thời hạn 99 năm.
- Trong giai đoạn 2005-2017, TQ đầu tư hơn 15 tỉ USD vào Sri Lanka. Ngoài Hambantota, họ đầu tư 1 tỉ USD nữa vào cảng biển lớn nhất nước là Colombo và tất nhiên, họ kéo hàng chục nghìn công nhân TQ sang. Tính đến năm 2015, Sri Lanka nợ TQ 8 tỉ USD, 10% GDP và nợ nước ngoài tổng cộng lên đến 94% GDP. Tất nhiên họ phải cầu cứu TQ. Chỉ với vài “chục tỉ” USD, Trung Quốc đã có cho mình 2 bến cảng quan trọng ở Ấn Độ Dương, áp sát đối thủ Ấn Độ.
- Bất chấp mâu thuẫn lãnh thổ, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Ấn Độ. Trong 2 năm tới, chính phủ Ấn dự tính thu hút được hơn 100 tỉ USD FDI, 42% trong số đó là từ TQ. Năm 2015, TQ đề xuất xây dựng 1 tuyến đường sắt cao tốc kết nối Kolkata (trong ảnh) với Côn Minh, nhưng mới là đề xuất.
- Năm 2015, Trung Quốc thuê cảng Darwin của Úc trong 99 năm với mức giá hơn 500 triệu USD, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Điều đặc biệt là bến cảng này có căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ. Trong giai đoạn 2011-2016, TQ rót gần 60 tỉ USD vào Úc, và chuyện người TQ thu gom BĐS ở các thành phố lớn như Sydney thì ko có gì lạ với các bạn du học sinh nữa.
Và còn ti tỉ câu chuyện người Trung Quốc đầu tư, mua nhà, mang nhân công sang các nước trong khu vực như Mã, Sing, Indo. Sắp tới, chính phủ Philippines có dự án trăm tỉ USD nhằm nâng cấp hệ thống giao thông, và chúng ta đều biết ông Durtete sẽ vay ai.
Như vậy, TQ chắc chắn sẽ nhảy vào các đặc khu kinh tế của Việt Nam vì họ có tiền và có tham vọng chính trị. Nhưng tất nhiên chúng ta có thể từ chối, như cô gái từ chối lời tỏ tình của gã trọc phú, dù chắc chắn gã sẽ không bỏ cuộc. Khác với Úc, Việt Nam có TRANH CHẤP lãnh thổ với Trung Quốc. Đó là lí do vì sao chúng ta luôn đề phòng với mọi dự án đầu tư của họ dù họ là đối tác thương mại lớn nhất. Để các đặc khu hoạt động hiệu quả mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, cần có một hệ thống pháp lí rõ ràng, minh bạch và kiên quyết với các doanh nghiệp nước ngoài có động cơ chính trị.
Ngắn gọn lại là thế. Về bản thân mình ko quá sợ chuyện TQ thuê hay không, nhưng Việt Nam phải cẩn thận hơn với TQ vì có tranh chấp lãnh thổ. Mình chỉ buồn việc qui hoạch các đặc khu kinh tế vẫn quanh quẩn chủ yếu quanh BĐS chứ chưa thật sự có gì 4.0 , mong là vài năm nữa sẽ được thấy.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tin về 3 đặc khu
2. Qui hoạch Bắc Vân Phong
3. Qui hoạch Phú Quốc
5. Điều tra trốn thuế ở SEZ Ấn Độ
6. Giá trị đầu tư của 3 đặc khu và yêu cầu ngân sách
11. Kế hoạch xây đường sắt cao tốc giữa TQ và Ấn Độ ( đề xuất)
12. Dự định đầu tư vào Ấn Độ của TQ
13. TQ thuê càng Darwin của Úc