Chương trình Công Nghệ Giáo Dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có tốt hay không?

Chương trình Công Nghệ Giáo Dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có tốt hay không?

o0o
Người thực sự quan tâm vấn đề này, thì họ sẽ chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ trước khi đưa ra nhận xét. Còn kẻ chỉ chực chờ cơ hội đẩy người khác xuống bùn thì họ không cần biết bản chất vấn đề, chỉ cần có cái để chửi là được.
Người viết bài này đã bỏ công ra tìm hiểu, phân tích rất chi tiết, tỉ mỉ, khoa học, và mình (Cóc) cũng đã cẩn thận biên tập lại cho các bạn dễ đọc nhất có thể. Nếu bạn thực sự muốn biết Công Nghệ Giáo Dục có tốt hay không, thì cố gắng chịu khó đọc hết bài này nhé.
Bạn cũng có thể xem Trọn bộ Series bài viết, phân tích, quan điểm về Công Nghệ Giáo Dục

Nếu bạn có thắc mắc gì về phương pháp này, có thể comment bên dưới, mình sẽ tìm câu trả lời thích hợp cho bạn. Và mình xin phép không trả lời những comment “mang định kiến”.
[Admin Cóc]
o0o

Chương trình Công Nghệ Giáo Dục của GS Hồ Ngọc Đại có tốt hay không?

Dạo này trên mạng thấy dân tình xôn xao về việc dạy đánh vần cho trẻ con nên hôm nay mình mạn phép có vài chia sẻ vì dù sao đề tài luận án Tiến sĩ (TS) của mình cũng liên quan cái gọi là NGỮ ÂM HỌC (phonetics) này.

Mình nói trước và nhấn mạnh rằng, đây không phải cải tiến hay cải lùi gì của Bộ giáo dục để mọi người đỡ tranh cãi, mà tờ đánh vần trong post này là trong chương trình Công nghệ giáo dục (CGD) của Giáo sư (GS) Hồ Ngọc Đại. Ông đã biên soạn giáo trình này theo khoa học về âm vị học – ngữ âm học tiếng Việt. Chương trình này đã được thực hiện được 40 năm nay, “thực nghiệm” từ năm 1978. Một số mốc chính từ FB của Đại biểu quốc hội – Bác sĩ Nguyen Lan Hieu – một cựu học trò của CGD:
1. Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
2. Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục (CNGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
3. Năm 2006 ngành giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa CNGD quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”.
4. Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.
5. Năm 2013 Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ “thí điểm”, tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.
6. Năm 2016 đã có 48 tỉnh tham gia

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

Bố mẹ có QUYỀN lựa chọn có cho con theo học chương trình CGD hay không, vì CGD là một phương án và cũng chỉ áp dụng tại một số trường và một số tỉnh thành. Nếu bạn không thích thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn trường lớp theo cách đánh vần theo chữ quen thuộc.

Bài này cũng chỉ nói về cách đánh vần theo âm trong chương trình CGD, chứ không bàn tới nội dung các sách giáo khoa trong chương trình này. Việc đánh vần theo âm này cũng không liên quan tới cải cách chữ quốc ngữ của PGS. Bùi Hiền nhé.

Với những kiến thức mình đã được học một cách nghiêm túc về ngôn ngữ học nói chung và ngữ âm học, âm vị học nói riêng (mình được may mắn tiếp cận cả tiếng Anh-Pháp lẫn tiếng Việt) thì mình cho rằng cách đánh vần này là hoàn toàn khoa học, và rất dễ tiếp cận với trẻ nhỏ. Đây là cách các bạn nhỏ (kể cả người bản ngữ) học và đánh vần tiếng Anh như cô Phạm Kim Oanh đã chia sẻ. Và tất nhiên, nó rất đơn giản, tự nhiên chứ không khó tiếp cận như không ít người lầm tưởng. Trong bài này, mình chủ yếu lấy dẫn chứng tiếng Anh do quen thuộc với mọi người hơn.

Thay vì đánh vần theo chữ cái thì chúng ta nên đánh vần theo âm của nó, giống như tiếng Anh cũng vậy. Ví dụ, letter a /ei/ sounds /æ/ (https://youtu.be/M1SBbcdh5Sg), hoặc letter b /bi/ sounds /b/ (giống kiểu “bờ” nhưng bật ra chứ không đọc rõ như tiếng Việt). Sau đó tiến hành ghép các âm vào để đọc thành từ. Cách này thể hiện rất rõ trong giáo trình Oxford Phonics World – ngữ âm tiếng Anh cho trẻ em dạy cách đánh vần ghép âm rất nổi tiếng, VD: https://www.youtube.com/watch?v=isvHbFatD_A,  https://www.youtube.com/watch?v=G9JTqQPse0g.

Khi nhìn bảng đánh vần theo âm, mình thấy rất quen thuộc vì thấy nó giống với những gì mình đã đọc trong các sách và các nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt. Mình rất thích về vấn đề này và đã viết rất kỹ trong luận án tiến sĩ. Trong đó, có tham chiếu đến nhiều sách ngữ âm tiếng Việt từ những năm bảy mấy của GS. Đoàn Thiện Thuật, cho tới những nghiên cứu hiện đại của sư phụ Do Dat Tran hay đại ca Quoc Cuong Nguyen hay gần đây nhất là James Kirby về phương ngữ Hà Nội ngày nay (đã thay đổi và phát triển so với Hà Nội ngày xưa).

Tiếng Việt khi viết có một số luật ngoại lệ vì những lý do riêng của nó. Ví dụ, nếu đánh vần chữ “ki”, đúng nhất là theo âm đánh vần như sau: “cờ i ki” chứ không phải “ca i ki”. Các chữ cái “c”, “k” hay “q” đều có âm là /k/ (đọc là cờ – âm vô thanh): chữ “k” được dùng khi âm chính phía sau là “i”, “e”, “ê”; còn chữ “q” được dùng khi phía sau là âm đệm “u” (phía trước là chữ “q” thì âm đệm được viết là “u”); chữ “c” được dùng trong những trường hợp còn lại. Vì vậy, “qua” đánh vần là “cờ oa qua”, giống như “hoa” (âm đệm “o”) là “hờ oa hoa”, chứ không phải “quờ a qua” – có thể nghe thuận mồm (vì quen) nhưng không phát âm tự nhiên và hoàn toàn không có cơ sở khoa học (điều này phải làm thí nghiệm về ngữ âm, phân tích các sounds trong tiếng Việt thì sẽ thấy rất rõ). Trong hệ thống âm vị học tiếng Việt không có âm “ca” hay âm “quờ”. Còn nhiều điều thú vị về ngữ âm tiếng Việt mà mình không tiện trình bày ở đây vì sợ dài quá mà lại lạc đề. Lưu ý rằng chỉ dùng âm khi đánh vần, còn dùng tên chữ cái để dùng cho những trường hợp khác (như tam giác CQK thì phải đọc là “xê qui ca”, như tiếng Anh đọc là /si: kju: kei/).

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

Mình cũng không rõ là việc “cải tiến” theo phương pháp này không biết có tốt hay không, có thể là KHÔNG vì còn quá nhiều phụ huynh thấy phương pháp này mới, và nhiều người sợ rằng theo phương pháp này thì bố mẹ, ông bà, anh chị em không “kèm” con em học được, và có thể gây hoang mang cho toàn xã hội. Điều này đúng nhưng nếu thực sự muốn thay đổi thì học rất nhanh, và hoàn toàn không khó như mọi người nghĩ. Ngoài ra, theo Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đưa ra, mỗi ngày con đến trường là một ngày vui, về nhà không mang theo sách vở (để lại hết ở trường), không có bài tập về nhà, để tuổi thơ con đúng nghĩa là tuổi thơ con. Cha mẹ hay anh chị em cũng không phải kèm con em mình đâu. Mình biết được ít nhất có hai đồng nghiệp cho con theo học chương trình này, thầy Cao Dung và cô Nguyễn Thị Thanh Nga, và bạn cùng học cấp 3 Nguyễn Thị Thanh Huyền. Các bố mẹ đều rất happy với lựa chọn này. Bản thân mình suýt cho con theo học chương trình này (đã tới khảo sát mấy lần trường CGD ở Phố Vọng), nhưng sau lại vẫn bị ấn tượng Trường Đồi hơn.

Tuy nhiên, dù học theo cách nào, cuối cùng cũng đi tới đích là biết đọc, biết viết. Mình cũng chẳng cổ suý cho cách nào vì mỗi một cách đều có lý do của nó, riêng với cách đánh vần theo chữ của Bộ như hiện tại thì cũng có những lý do lịch sử của nó. Bố mẹ thấy cách nào phù hợp thì lựa chọn cho con mình thôi.

Mình chỉ muốn chứng minh rằng cách đánh vần theo âm trong chương trình thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn dựa vào cơ sở khoa học. Nó không khó học chút nào vì đây là cách ghép âm tự nhiên. Bằng chứng trong thực tế là các học sinh theo phương pháp này chỉ học trên lớp chứ không cần bố mẹ hay ai kèm cặp vẫn đánh vần rất tốt, ít khi sai lỗi chính tả vì hiểu được bản chất của vấn đề thay vì phải học thuộc lòng theo kiểu “vẹt” như cách hiện tại (nên gặp từ khó chút là “tắc” vì một số từ không thể tự đánh vần được nếu không học thuộc).

Không ít người cho rằng, đang yên đang lành đi cải cách làm gì. Sai thì mới sửa, còn mình học theo cách đó vẫn đánh vần tốt, việc gì phải cải tiến với cải lùi. Thì như mình đã nói ở trên, đó là lựa chọn của các bố mẹ thôi mà, có sao đâu. TUY NHIÊN, mình muốn nói thêm về những cái lợi của phương pháp đánh vần theo âm như sau:
1. Con sẽ dễ dàng tiếp cận khi học các tiếng ngoại ngữ hơn nếu được học cùng một phương pháp đánh vần trên thế giới: Đánh vần theo âm (sound) chứ không phải theo chữ (letter). Khi học một ngôn ngữ mới (VD: tiếng Anh hay tiếng Pháp), cái con cần học là ngôn ngữ và văn hoá khác, chứ không phải cả cách tiếp cận khác nữa. Điều này giúp con học ngoại ngữ nhanh và hiệu quả hơn. Và đây cũng là cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả nhất để người nước ngoài học tiếng Việt.
2. Cách tiếp cận này nghe thì phức tạp nhưng khi thực hiện lại rất đơn giản, con rất nhanh biết đánh vần và ít khi sai chính tả do hiểu bản chất vấn đề (điều này là mình được confirm từ nhiều người đã học/ có con học ở các trường theo chương trình Giáo dục công nghệ). Khi dạy cho trẻ con thì cũng chỉ chọn những thứ phù hợp với trẻ con thôi, chứ cũng không cần đưa hết mọi thứ phức tạp về Ngữ âm học ra. Thực ra tiếng Việt rất đơn giản, một âm tiết đầy đủ có đúng 4 thành phần: Âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Xem giáo trình Oxford Phonics World họ viết, thì cũng không phức tạp, chỉ đưa những thông tin cơ bản và phù hợp với trẻ con.
3. Cách đánh vần theo âm là cách đánh vần tự nhiên, nên không cần biết chữ cũng đánh vần được theo cách ta phát âm hàng ngày. Vì vậy, nhiều trường hợp các bạn nhỏ không biết chữ nhưng vẫn tự đánh vần được theo cách đó (em bổ sung theo comment về bé nhà anh Tran Quang Thinh nhé, chính là trường hợp này đó). Ví dụ con tự đánh vần là “cờ i ki” (lúc chưa biết chữ, đánh vần vui hoặc tự rút ra sau khi học “cờ a ca”) mà bố mẹ sửa lại là “ca i ki” thì đã đang sửa từ việc đánh vần theo tự nhiên sang đánh vần học thuộc “vẹt” theo chữ cái. Chính điều này làm cho con đánh vần vất vả và mất thời gian hơn (vì không tự nhiên, lại bắt con phải học thuộc “vẹt” những thứ không như đúng bản chất của nó). Điều này thì mình rút ra từ bé nhà mình thôi. Nhiều khi người lớn bị những định kiến hoặc những kiến thức đã biết trong nhiều năm làm ảnh hưởng tới lối mòn suy nghĩ của mình. Nhưng không sao, mỗi người một quan điểm, một cách nghĩ, việc lựa chọn theo Công nghệ giáo dục hay không là quyền của mỗi phụ huynh mà.

Mình cho rằng, trẻ con đứa nào cuối cùng chả biết đọc, biết viết. Có mỗi tuổi thơ của chúng là không lấy lại được nếu cứ bị bắt vùi đầu vào sách vở thôi. Chỉ tội nghiệp nếu các con học cả ngày trên lớp, về nhà lại làm bài tập, học thêm suốt thì đúng là “tuổi thơ bị đánh cắp”. Mẹ Hanh Nguyen chắc quá thấm thía khi cô giáo suốt ngày tạo sức ép cho mẹ khi con chưa được học đọc trước khi vào lớp 1 – một điều vô lý hết sức nhưng lại xảy ra rất phổ biến ở các trường công lập, thậm chí cả một số trường dân lập.

PS: Tự dưng hôm nay tìm giấy tờ lại thấy thẻ sinh viên cũ từ thời làm PhD nên nổi hứng viết post, mặc dù đang nhiều deadline – tính ham vui vậy đấy. Đây là thẻ sinh viên từ đợt mình được thực tập mấy tháng tại trường Université Sorbonne Nouvelle Paris 3 tại Phòng thí nghiệm Ngữ âm học và Âm vị học LPP. Trong thời gian này, mình có may mắn được làm việc với nhiều nhà ngữ âm học, được trải nghiệm các bài thí nghiệm về ngữ âm học tiếng Việt, thậm chí là tham gia các lớp học về Ngữ âm học của sinh viên ngành này. Trường Université Sorbonne Nouvelle Paris 3 là một trường nổi tiếng về ngôn ngữ học tại Pháp cũng như trên thế giới. Sau đó, mình đã chuyển về đúng chuyên ngành là Tin học, làm tiến sĩ về Tổng hợp tiếng nói tiếng Việt (chuyển văn bản thành tiếng nói nên cũng phải tìm hiểu rất kỹ về Ngữ âm tiếng Việt) tại Université Paris-Sud 11. Cũng tình cờ, trường Université Paris-Sud 11 là trường mà GS. Ngô Bảo Châu, một cựu học trò xuất sắc của chương trình CGD, đã làm tiến sĩ tại đây.

 


Mình update một số câu hỏi của một số bạn inbox cho mình, cũng có thể các bạn khác có câu hỏi tương tự. Mình trả lời trong phạm vi kiến thức mình biết nhé.

1. Nếu theo kiểu nước ngoài tức không ghép vần, chỉ đọc ký tự rồi đọc nguyên từ: quy u a -> qua. Ở đây lại đọc là cờ /oa/ qua. Tức ghép ua thành oa.
=> Trả lời: Nước ngoài cũng ghép vần (rhyme) rồi mới ghép âm đầu. Nhưng họ không đọc ký tự hay tên chữ cái khi đánh vần, mà đọc âm của các ký tự đó. Có thể xem thêm sách, video của chương trình Oxford Phonics World sẽ thấy đầy đủ từ vần rồi ghép thành từ, ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=isvHbFatD_A

2. Vậy thì đến Cua, đọc cờ /ua /cua. Thì ua lúc đọc /oa/ lúc đọc /ua/? Làm sao phân biệt?
=> Trả lời: Với “cua”, lúc này chữ cái đầu là “c” không phải “q” nên trường hợp này, “u” không phải là âm đệm. Với từ này, “ua” là một nguyên âm đôi (xem trong bảng đánh vần). Với nguyên âm đôi, ta không cần đánh vần từng âm trong đó, mà chỉ cần biết nguyên âm đôi đó đọc như thế nào. “ua” đọc là /uə/, nên đánh vần là “cờ ua cua” /k uə kuə/. Tương tự như tiếng Anh hay tiếng khác cũng có nguyên âm đôi cũng không đánh vần từng âm trong đó, VD: https://www.youtube.com/watch?v=wQAh5ITq9Ts

3. Tiếng Việt không có q rời, qu trong tiếng anh phonetics của họ là /kw/ tức có âm /w/ nếu dùng phonetics giải thích thì trong qu vẫn có /w/ chứ không thể xét q rời như vậy được.
=> Trả lời:
– Theo mình biết thì tiếng Anh không có “qu” hay /kw/ (tham khảo https://www.antimoon.com/how/pronunc-soundsipa.htm

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

  • mình gửi link online luôn cho tiện trao đổi chứ nếu cite sách/nghiên cứu thì phải đọc mất thời gian), mà đây là 2 âm khác nhau chỉ cùng phát âm lên tạo thành một âm giống “quờ” /kw/. Có thể dùng âm này để dạy cho trẻ con cho đỡ phức tạp, nhưng đúng về ngữ âm học thì không có âm này.
  • Đối với tiếng Việt thì lại khác, chữ “u” (VD: trong “qua”, “huế”) hoặc “o” (trong “hoa”, “loè loẹt”, “toán”) được coi là âm đệm – tức không phải âm chính – có nhiệm vụ “trang điểm” cho âm chính phía sau. Cụ thể ở đây nó giúp “làm tròn môi” cho âm chính phía sau. Bạn có thể thử nói “a” và “oa” và quan sát môi mình sẽ thấy hiện tượng “làm tròn môi” rất rõ. Như vậy, âm đệm không gắn với phụ âm phía trước mà gắn với nguyên âm phía sau (để làm tròn môi).

4. Hình đính kèm, người miền nam đọc hoàn toàn không có cờ, dùng /w/ cho qu. Quờ a qua /w//a/. Tức qu là 1 phonetics? Vì sao?
=> Trả lời:
– Khi học đọc thì phải theo một phương ngữ nhất định chứ không có công thức chung cho tất cả các phương ngữ. Ví dụ khi bạn học Anh-Anh hay Anh-Mỹ thì rõ ràng phiên âm là khác nhau.
– Nếu dạy đánh vần theo phương ngữ miền Nam thì giáo viên cần chỉ rõ rằng “q” đã bị lược đi trong quá trình sử dụng, nên chỉ còn /wa/. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy “qu” không phải là một âm vị, vì một âm vị phải là nguyên tố, không thể bị “tách” ra như vậy được.

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

5. Chào cô. Em đã đọc bài viết của cô về CGD. Em là sv đang học ngành giáo dục tiểu học nên cũng học qua về phần ngữ âm nên em cũng k có ý kiến gì nhiều về cách đánh vần theo âm của gs HNĐ. Em chỉ thắc mắc duy nhất là cách đánh vần chữ “qua” cô ạ. Em có đọc bài giải thích của cô nhưng vẫn chưa hiểu tại sao lại là cờ “oa” qua v ạ?
=> Trả lời:
– Ta lấy ví dụ “hoa” cho dễ hiểu nhé. Trong từ này, có 3 thành phần “h” là âm đầu, “o” là âm đệm và “a” là âm chính, phiên âm quốc tế (IPA) sẽ là /hwa/. Cấu trúc từ “qua” cũng giống hệt từ “hoa”, nhưng chữ quốc ngữ quy định, khi âm đầu là phụ âm “q” thì âm đệm sau đó được viết là “u” thay vì “o”.
– Vì vậy có biến thể là “qua”, phiên âm quốc tế là /kwa/: cũng có 3 thành phần: âm đầu /k/, âm đệm /w/ và âm chính /a/. Âm đệm có nhiệm vụ làm tròn môi cho âm chính, bạn thử đọc “a” và “oa” lên sẽ thấy tròn môi là như thế nào, nên âm đệm sẽ ghép với âm chính thành âm “oa” /wa/. Sau đó âm đầu ghép vào, đọc là “cờ oa qua” là vì thế.
– Mình gửi kèm một đoạn trích dẫn trong sách “Ngữ âm tiếng Việt” của Đoàn Thiện Thuật (1977) để bạn tham khảo cho rõ.

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

6. Em có thắc mắc nhỏ là các chữ yê, ya, uô, ươ trong bảng này hình như không có trong tiếng Việt phải không ạ?
=> Trả lời:
– Hai chữ “yê” có trong “khuyết”, “tuyên”… VD: “khuyết” có 4 thành phần: âm đầu “kh”, âm đệm “u”, âm chính “yê” (nguyên âm đôi”), và âm cuối “t”. Cách viết chữ quốc ngữ quy định, “yê” luôn luôn phải có âm cuối đi sau.
– Tương tự “ya” có trong “khuya” (âm đầu “kh”, âm đệm “u”, âm chính “ya”). “ya” không bao giờ có âm cuối đi sau.
– Hai chữ “uô” có trong “buồn” (âm đầu “b”, âm chính “uô”, âm cuối “n”), “ươ” có trong “hươu” (âm đầu “h”, âm chính “ươ”, âm cuối “u” – bán nguyên âm). Hai cách viết này đều yêu cầu cần có âm cuối đi kèm.

7. Âm /k/ là âm vô thanh, tuy nhiên tiếng việt chúng ta cho phép phát âm thành âm hữu thanh dẫn đến việc có lẫn âm schwa /ə/, cờ /kə/. Từ đó dẫn đến việc thiếu chính xác khi ghép âm /w/. trong giáo trình oxford sử dụng /k/ vô thanh khi ghép nên không bị vấp ở điểm này.
=> Trả lời:
Về vấn đề bạn nói là hợp lý. Đúng ra mình phải phát âm là /k/ khi đánh vần, tức là đọc bật ra thay vì đọc rõ “cờ” /kə/. Âm /k/ của tiếng Việt cũng vô thanh, mình quan sát trên tín hiệu hoàn toàn không có sóng âm, chỉ có chút bật ở đầu. Tuy nhiên, do thói quen ta đọc là “cờ” rồi nên cũng đành chấp nhận, mình nghĩ không ảnh hưởng quá nhiều đối với người Việt (với người nước ngoài thì chắc sẽ gặp khó khăn). Nếu để làm cho chuẩn thì nên đọc là /k/ /wa/ /kwa/. Tuy nhiên, không có giải pháp nào toàn diện tuyệt đối cả.

8. Nếu theo cách đánh vần tự nhiên này thì con sẽ tự đánh vần mọi thứ là cờ e ke, cờ uơ quơ, cờ ô cô… nhưng đến khi viết con sẽ không biết chữ cờ nào phải viết là k, chữ cờ nào phải viết là qu hay c, dẫn đến nguy cơ thế hệ của con viết sai chính tả sẽ rất nhiều, dù biết đọc, biết viết thật. Hơn nữa em thấy việc ép buộc phát âm các phụ âm k(ca), qu(quờ) thành hết đuôi ờ là cách đọc lười, thiếu âm, và có thể thực nghiệm âm thanh này chưa dựa trên tính chất vùng miền. Liệu nó có thật sự tự nhiên với người miền trung hay miền nam?
=> Trả lời:
Khi học theo ngữ âm học, các con sẽ được học kèm quy tắc và thực hành. Ví dụ khi học về âm đệm /w/, con sẽ được học âm đệm giúp làm tròn môi cho âm chính. Và con được thực hành luôn, như thế nào là tròn môi (con đọc cả “a” và “oa”, “an” và “oan”, “ê” và “uê”…) và quan sát môi nhau hoặc môi cô. Điều này rất thú vị giúp học sinh sẽ nhớ rất lâu và nhớ bản chất, cũng như hiểu về âm vị này.

Âm đệm này cũng có quy tắc khi nào viết là “u”, khi nào viết là “o”. Bạn có thể xem trong hình ảnh đính kèm là một trích đoạn nói về âm đệm trong sách “Ngữ âm học tiếng Việt” của GS. Đoàn Thiện Thuật (1977). VD: âm đệm /w/ được viết là “u” khi phía trước nó là phụ âm “q” (không phụ thuộc vào nguyên âm phía sau) hoặc phía sau là nguyên âm hẹp hoặc hơi hẹp. Nó được viết là “o” khi đi kèm là sau là nguyên âm rộng hoặc hơi rộng. Hẹp tức là độ mở của môi khi phát âm. Con cũng được thực hành và rất dễ nhớ, quên thì thực hành luôn thì có thể hiểu ngay. Ví dụ “i” “e”, “ê” là nguyên âm hẹp/hơi hẹp. Còn “o”, “a” là rộng/hơi rộng (bạn có thể thử luôn ).

Với tính chất vùng miền mình đã có câu trả lời trong post.

Chuong trinh Cong Nghe Giao Duc giao su Bui Hien

9. Chị có nói tỷ lệ lưu ban của chtr học hiện nay là rất nhiều. Nhưng liệu chỉ vì 3 chữ k,c,qu có thể thay đổi được tỷ lệ này thật ko? Và liệu đã có thống kê nào về tỷ lệ viết sai chính tả của các học sinh học chtr Công nghệ giáo dục chưa? Vì em doubt là chtr thực nghiệm thì chỉ áp dụng ở thành phố, trong khi tỷ lệ lưu ban đa số xảy ra ở nông thôn. Nên việc chứng minh CGD có tỷ lệ lưu ban thấp hơn không có nghĩa là khi áp dụng đại trà nó vẫn thấp thế. Và có thể dễ dàng chứng minh 1 hypothesis là việc người học đánh vần k,c,qu như nhau sẽ dẫn đến tỷ lệ viết sai chính tả cao hơn người được phân biệt rõ ràng khi đánh vần.
=> Trả lời:
– Mình không nói là tỷ lệ lưu ban của ctr học hiện nay là rất nhiều, bạn đọc lại giúp. Đây là các con số mình trích từ FB của ĐBQH BS Nguyen Lan Hieu.
– Không chỉ có luật về “c”, “q”, “k” mà còn rất nhiều “luật” phát âm khác (giống như các ngoại ngữ khác, VD tiếng Anh có luật “ee” đọc là /i:/). Các luật trong tiếng Việt đặc biệt dễ nhớ, và điều đặc biệt là có thể thực hành ngay được với bất kỳ ai.
– Theo thông tin mình được biết, phương pháp CGD chủ yếu được áp dụng ở các tỉnh thành miền núi giúp xoá mù và giảm tỉ lệ xoá mù vì rất dễ học, dễ tiếp cận, nhanh biết đọc. Thống kê thì mình không có vì mình không nghiên cứu về lĩnh vực Giáo dục tiểu học, nhưng mình nhận được rất nhiều feedback của phụ huynh cho con theo học CGD đều nói như vậy. Còn việc áp dụng nhiều ở tỉnh thành miền núi thì bạn có tham khảo thêm trên mạng.

Nguồn: FB Nguyen Thi Thu Trang

o0o
Để hiểu hơn về cách đánh vần trong chương trình Công Nghệ Giáo Dục, các bạn có thể xem trên trang của BigSchool 
o0o

Bạn nào muốn hiểu rõ hơn về Âm, và Chữ, về cách đọc, cách đánh vần một cách khoa học thì có thể xem video bên dưới:

Buổi phóng vấn “người trong cuộc” về SGK Tiếng Việt lớp 1 Công Nghệ Giáo Dục được thực hiện bởi VTV24

Vụ SGK Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục: Từ danh tiếng đến… mang tiếng | VTV24

Truyền Hình Đồng Tháp

Cần hiểu đúng về sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục | THDT

“Thầy giáo sẽ có cách giải thích và chỉ trích hay ca ngợi từng hành động trong câu chuyện, nhân cách học sinh hình thành từ thầy cô giáo chứ không phải từ câu chuyện. Bởi vậy việc chọn thầy rất quan trọng với trẻ em.” <— mình rất thích comment này, người thầy đúng nghĩa là “người lái đò”, sẽ chỉ bảo cho học sinh biết cái nào đúng cái nào sai.

Môi trường xung quanh là yếu tố quyết định để hình thành nhân cách của trẻ nhỏ

Bạn có thể xem bài viết “Người Mỹ dạy bài học ‘Cô bé Lọ Lem’ như thế nào?” để hiểu rõ hơn về vấn đề này:

Người Mỹ dạy bài học ‘Cô bé Lọ Lem’ như thế nào?

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments