Chiếc bồn cầu kiểu mới do quỹ Bill and Melinda Gates đầu tư nghiên cứu hứa hẹn sẽ là giải pháp hoàn hảo cứu sống hàng triệu người trên thế giới và tiết kiệm cho thế giới 233 tỷ USD/năm.
Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Reinvented Toilet Expo tại Bắc Kinh, Trung Quốc mới đây, tỷ phú Bill Gates đã gây ngờ với nhiều người khi cho ra mắt hệ thống nhà vệ sinh kiểu mới do quỹ Bill and Melinda Gates dày công nghiên cứu và phát triển.
Không chỉ vậy trên sân khấu thuyết trình, Bill Gates còn cầm theo một lọ đựng phân người và chỉ điểm đây là nơi trú ngụ của “200 nghìn tỷ rotavirus (virus gây tiêu chảy), 20 tỉ khuẩn shigella, 100.000 trứng giun ký sinh”. Đó chính xác là một mầm mống nuôi dưỡng bệnh dịch và sẵn sàng lan truyền tới mọi cộng đồng.
Tuy nhiên với số tiền bỏ ra hơn 200 triệu USD để nghiên cứu suốt hơn 7 năm qua, Gates tự tin rằng bồn cầu không nước của mình có thể cứu sống hàng triệu người trên thế giới mà không cần tới điện, nước và đường cống. Chi phí sử dụng của bệ xí này cũng chỉ tốn khoảng 0,01 USD/ngày, rất rẻ và phù hợp ở mọi nơi trên thế giới.
Hành động của Gates thực sự đã gây chú ý rất lớn và khiến cả thế giới phải có một cái nhìn khác về khái niệm thế nào là một nhà vệ sinh an toàn.
Nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn 4.0 của Bill Gates có thể loại bỏ chất thải và bảo vệ con người khỏi sự lây lan của mầm bệnh. Trong khuôn khổ triển lãm, Gates đã khoe hơn 20 thiết kế nhà vệ sinh do nhiều công ty trên thế giới phát triển với nguồn tiền đầu tư của quỹ.
Trong đó đa số bồn cầu kiểu mới đều áp dụng kỹ thuật thông minh để tách chất thải rắn và lỏng một cách an toàn mà không tạo ra bất cứ mùi khó chịu nào.
Một trong những thiết kế gây tiếng vang nhất do quỹ Bill and Melinda Gates đầu tư thuộc về các nhà khoa học và kỹ sư tại ĐH Cranfield. Hệ thống này của các nhà khoa học đã giành hai giải thưởng hàng đầu tại Giải thưởng sáng tạo sản phẩm của Hiệp hội nước quốc tế 2018 tại Tokyo vào tháng 9/2018.
Hệ thống nhà vệ sinh này có tên Nano Membrane Toilet, được tạo ra từ một loạt các bánh răng, ốc vít và chia thành nhiều khoang để tách, làm sạch và lưu trữ chất thải. Khi người dùng “giải quyết” xong và đặt lắp bồn cầu xuống, bánh răng sẽ hoạt động để mở phần đáy bệ xí và cho phân đi xuống để xử lý. Quy trình này không cần dùng nước và chất thải vẫn có thể làm sạch.
Ước tính mỗi ngày có khoảng 2 triệu tấn chất thải của con người được xử lý bằng nước và điều này quả thực rất lãng phí nguồn tài nguyên nước.
Chất thải sau đó sẽ đi vào một bể chứa. Hệ thống sẽ tiếp tục biến phân thành những viên phân khô trước khi đưa nó tới buồng đốt. Phân sẽ biến thành tro và bạn có thể đem chúng đi tiêu hủy mà không gây hại cho môi trường.
Đặc biệt, nước tiểu sẽ được làm sạch, tinh chế và đưa vào một buồng ở dưới nhà vệ sinh. Nguồn nước này có thể tái sử dụng để tưới tiêu hoặc rửa mọi thứ.
Bill Gates kỳ vọng nhà vệ sinh 4.0 có thể giúp cứu sống hơn 500 ngàn người và tiết kiệm cho thế giới 233 tỷ USD/năm.
Bồn cầu Nano Membrane Toilet của ĐH Cranfield
— cafebiz —