Gặp gỡ tờ báo Nga sau khi cùng đồng đội vượt qua Jordan, thủ môn Đặng Văn Lâm kể về hành trình khó khăn của anh đến với bóng đá Việt Nam.
Đặng Văn Lâm và câu chuyện cổ tích có thật
Phóng viên của tờ Soviet Sports (Nga) có buổi phỏng vấn với Đặng Văn Lâm, hai ngày sau khi anh đẩy quả luân lưu trong trận gặp Jordan giúp Việt Nam vào tứ kết Asian Cup. Đặng Văn Lâm mang hai quốc tịch Việt, Nga. Trong khi người hâm mộ Việt Nam biết đến anh nhiều trong thời gian gần đây thì các fan xứ bạch dương còn lạ lẫm với chàng thủ môn cao 1,88m. Dưới đây là bài phỏng vấn của Lâm “Tây” với phóng viên Soviet Sports.
– Anh sinh ra ở Nga, tại sao giờ lại chơi cho đội tuyển quốc gia Việt Nam?
– Tôi sinh ở Moskva, có mẹ là người Nga và bố là người Việt Nam. Mẹ tôi là diễn viên và bố là vũ công ballet. Họ gặp nhau trong một lần tập luyện ở Viện nghệ thuật sân khấu Nga. Chúng tôi sống ở đó khoảng tám năm và đến khi tôi học cấp hai thì gia nhập Spartak Moskva.
– Anh từng đăng tấm ảnh trắng đen và đội mũ như Lev Yashin trong ngày sinh nhật. Thời anh còn bé chắc chắn không thể chứng kiến ông ấy thi đấu. Vậy ai là thần tượng của anh?
– Tôi không thích từ “thần tượng”.
– Vậy ai là người anh muốn noi theo trong sự nghiệp?
– Lev Yashin là người mà bất cứ thủ môn nào cũng phải học hỏi. Những năm gần đây tôi thích Buffon và Casillas. Hiện tại có rất nhiều thủ môn giỏi mà tôi ngưỡng mộ, nhưng đó không phải kiểu thần tượng. Tôi chỉ xem họ như đồng nghiệp và có những điều tôi cần học hỏi.
– Với anh ai là thủ môn hay nhất thế giới hiện nay?
– Tôi nghĩ là De Gea. Courtois cũng xuất sắc.
– Tại sao anh lại rời Nga?
– Với CLB Dynamo tôi đã chơi tốt, tôi có vị trí trong đội hình hai của họ. Tôi tập luyện với một số thủ môn có kinh nghiệm, lắng nghe và học hỏi từ họ rất nhiều. Tôi là người trẻ nhất ở đó. Khi gần kết thúc hợp đồng, những người ở Học viện nói với tôi rằng tôi sẽ không được ký hợp đồng chuyên nghiệp.
– Rồi anh lập tức sang Việt Nam?
– Tôi biết khả năng của bản thân có thể chơi cho Dynamo hay chơi ở Nga. Nhưng khi đó có nhiều điều không suôn sẻ. Tôi đã nhờ bố tôi tìm cho tôi một đội bóng ở Việt Nam. Chúng tôi tìm kiếm trên mạng và lên một danh sách rồi sau đó bay sang Việt Nam.
– Anh có biết tiếng Việt hay từng đến đó trước đây?
– Chúng tôi từng du lịch Việt Nam khi tôi còn nhỏ. Tôi biết tiếng Việt vì ở nhà bố nói tiếng Việt với chúng tôi, còn mẹ tôi thì nói tiếng Nga. Chúng tôi biết hai ngôn ngữ. Tôi không biết nhiều từ vựng tiếng Việt lắm và khi sang đó tôi mới bắt đầu học thêm, cả đọc lẫn viết.
– Được đào tạo ở Spartak và Dynamo, cao 1,88m nên có lẽ anh không khó khăn để tìm được bến đỗ?
– Tôi có sự lựa chọn. Đầu tiên tôi đến một đội bóng ở thủ đô. Khi tôi hỏi nơi thay đồ, họ chỉ ra phía sau cánh cửa. Khi tôi mở cửa thì đấy là toilet. Tôi phải thay đồ trong nhà vệ sinh khi tất cả mọi người đều làm thế. Tôi bị sốc. Nó quá khác so với những gì tôi đã trải nghiệm trước đây. Tôi vẫn tập luyện nhưng nhận ra nơi đây không thuộc về mình. Thử một, hai CLB rồi tôi bay vào Sài Gòn. Tôi tìm thấy một đội bóng và gặp vấn đề tương tự. Cuối cùng tôi đến với HAGL, khi đó họ có hợp tác với Arsenal. Sân tập của họ rộng rãi, cơ sở vật chất đầy đủ. Tôi quyết định ký hợp đồng với họ. Tôi tin rằng chuyện cổ tích của bản thân sẽ bắt đầu ở đây. Năm 18 tuổi, tôi đã tập luyện cùng với đội hình chính của họ.
– Nhưng…
– Mùa đầu tiên tôi chỉ có tập mà không được thi đấu. Mùa thứ hai cũng thế. Tôi được gọi vào đội U19 quốc gia nhưng không thể đá chính cho CLB.
– Vấn đề ở đâu?
– Tâm lý. Có sự khác biệt trong văn hóa giữa Nga và Việt Nam.
– Anh có thể nói rõ hơn?
– Tiếng Việt của tôi lúc đó chưa tốt. Thứ hai, tôi đến đó và cư xử như một người Nga, một người nước ngoài. Họ có vẻ không thích tôi, không thích “cái gã người Nga này”. HLV không điền tên tôi vào danh sách thi đấu. Trong một năm rưỡi đầu tiên tôi may mắn khi làm việc với HLV thủ môn người Thái Lan. Ông ấy không quan tâm tôi đến từ đâu và nói tiếng gì. Chúng tôi đã làm việc với nhau rất ăn ý. Ông ấy nhận thấy tôi có những tố chất mà thủ môn Việt Nam khó có.
– Họ không thích anh ngay từ đầu sao?
– Vì có những khác biệt. Ví dụ thế này: Ở Nga bạn có thể nhẹ nhàng tiếp cận HLV, nói những điều bạn chưa hài lòng. HLV dễ dàng lắng nghe và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Ở châu Á thì khác. HLV luôn là người đúng và bạn không được tranh cãi. Người càng lớn thì càng biết nhiều và khi đối mặt với họ bạn phải hạ thấp ánh mắt xuống. Trước đây tôi không hiểu chuyện. Tôi thường nói thẳng ý kiến với HLV, đôi khi tranh cãi. Ở Việt Nam, hành động này được xem là ngạo mạn. Mùa thứ hai, họ đem tôi cho CLB ở Lào mượn.
– Thời gian ở Lào thì sao?
– Anh không tưởng tượng nổi đâu, giải đấu ở đó ít phát triển hơn. Tuy nhiên, tôi lại không hối tiếc về quãng thời gian ở đó. Đó là thử thách với tôi và là quãng thời gian đáng giá.
– Anh có thể kể về các trận đấu ở Lào không?
– Có nhiều điều đã xảy ra. Ở Việt Nam nhiệt độ thường cao còn ở Lào là nóng kinh khủng. Khi tivi nói rằng hôm nay có gió tức là bạn tốt nhất là không nên ra ngoài. CLB của tôi có xe buýt đưa đón cầu thủ, từ nơi ở ra sân tập. Chúng tôi đi tập mỗi ngày còn xe buýt thì thường không khởi động. Thế nên, mỗi ngày chúng tôi phải đẩy xe đi từ 10-20 mét để cho tài xế có thể nổ máy. Xe không có điều hòa còn bên ngoài nóng như đổ lửa. Chúng tôi phải đổ nước vào ghế mới có thể ngồi xuống mà không bị phỏng.
Sau một năm chơi chuyên nghiệp ở Lào, tôi là thủ môn giỏi nhất, đội của tôi đứng thứ hai của giải. Đó là mùa bóng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của tôi.
– Sau đó anh trở lại Việt Nam?
– Tôi có đi nghỉ ở Nga, khi trở lại Việt Nam thì nghĩ rằng mình sẽ quay về HAGL. Nhưng chuyện tương tự như ở Spartak lại xảy ra. Họ thông báo chấm dứt hợp đồng với tôi. Ba năm ở Việt Nam và tôi đã không hoàn thành được mục tiêu mà bản thân đặt ra. Tôi muốn đến Việt Nam, tập luyện thi đấu, được chơi cho đội tuyển quốc gia để khiến bố tôi tự hào. Nhưng tôi đã thất bại.
– Rồi anh trở về Nga?
– Tôi không muốn trở về. Trở về thì sự nghiệp chơi bóng của tôi sẽ chấm hết. Tôi tin rằng mình có thể tiếp tục. Tôi nhờ bác ở Việt Nam tìm một đội bóng ở giải hạng Nhất nhưng khi đó tôi cũng không được cho ra sân. Bốn năm liền không thi đấu ở Việt Nam. Tôi không hiểu nổi sao bản thân có thể chịu đựng tốt đến vậy. Tôi khi đó nhận lương 200 đôla một tháng, sinh hoạt cùng các đồng đội ở một nơi có tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn bình thường ở Việt Nam.
Bố của tôi gọi cho tôi, ông ấy gần như khóc và yêu cầu tôi trở về Nga. Ông nói với mức lương tôi nhận, thà về nhà làm người gác cổng.
– Rồi anh trở về Moskva?
– Tôi đã trở về, năm 2014. Tôi đi học trường tài chính vì mẹ muốn tôi ăn học tử tế. Tôi chả hiểu gì ở trường và chỉ được điểm cao mỗi môn thể dục. Tôi chỉ học được hai tháng.
– Anh nghỉ ngang à?
– Đúng, nhưng không phải do tôi. Tình cờ một người bạn bảo tôi tham gia cuộc thi do nhãn hàng thể thao tổ chức. Phần thưởng là các cầu thủ sẽ được đưa đi London. Tôi được chọn vào vòng chung kết và anh không thể tin nổi đâu, đối thủ của tôi là người mà Spartak từng chọn thay vì tôi. Một lần nữa chúng tôi đã đối đầu với nhau. Nhưng điều lạ lùng là anh ta không muốn tiếp tục theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng anh ta đã được ban tổ chức chọn. Anh ta là người Nga và tốt nghiệp đại học hàng không. Cuộc thi đó khiến tôi nhận ra là bản thân mình yêu bóng đá như thế nào. Tôi muốn tiếp tục con đường này chứ không phải đi học kinh tế.
– Rồi sau đó?
– Tôi đã chơi cho một đội nhỏ tên là Solaris rồi thông qua một số người quen, tôi được giới thiệu vừa thi đấu vừa làm HLV cho các cầu thủ nhí. Chơi bóng và làm việc ở đó lương rất cao và là công việc tốt nhất tôi có thể có. Nhưng khi xét đơn, họ yêu cầu tôi phải đổi quốc tịch thi đấu. Trước đây tôi từng chơi cho đội trẻ của đội tuyển Việt Nam nên giờ tôi phải đổi về Nga. Bạn chỉ có thể đổi quốc tịch thi đấu một lần trong đời theo luật. Tôi đã phân vân, giữa việc làm việc ở Nga và một bên là giấc mơ chơi bóng cho Việt Nam. Chả ai ở Việt Nam cần tôi cả nên tôi quyết định sẽ đi đổi quốc tịch thi đấu. Để làm được điều đó tôi phải gọi đến Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và nhờ họ làm các thủ tục. Một HLV thủ môn ở Việt Nam mà tôi liên hệ đã khuyên tôi đừng vội. Ông ấy nói ở Việt Nam không có thủ môn nào cao lớn như tôi và bảo tôi đợi.
– Anh làm gì tiếp theo?
– Trong thời gian đó tôi có chơi cho CLB Duslar và chúng tôi giành chức vô địch. Huy chương đầu đời khiến tôi có thêm động lực. Tôi đã quyết định viết một bức thư “cầu cứu” trên Facebook, gửi đến người hâm mộ Việt Nam. Gần đây bức thư ấy được chia sẻ rộng rãi trở lại.
Sau đó tôi viết thư cho các phóng viên thể thao. Một trong số họ cho tôi số của HLV đội U23 Việt Nam. Ông ấy nói ông ấy sẽ suy nghĩ. Lúc đó dư luận chia làm hai bên, một bên muốn cho tôi cơ hội còn một bên thì nghĩ rằng cho một người lạ vào đội tuyển có thể gây xáo trộn. Ít ngày sau ông ấy gọi lại và nói chưa cần tôi.
Tôi không được vào đội tuyển nhưng nhờ lá thư ấy nhiều người biết đến tôi và có đội bóng cần tôi. Tất cả các tờ báo ở Việt Nam khi đó đều viết về một gã người Nga muốn chơi cho Việt Nam. Một tuần sau, Chủ tịch của CLB Hải Phòng hỏi tôi muốn sang đây không và muốn nhận lương bao nhiêu. Tôi nói tiền bạc không quan trọng. Ông ấy đáp: “Sang ngay”.
– Rồi anh đã được chơi bóng?
– Không phải ngay lập tức. Vì thủ môn của Hải Phòng khi ấy là huyền thoại của họ. Sau chín vòng đấu, thủ môn chính bị thủy đậu. Đó là mùa giải anh ấy chơi hay nhất, năm trận giữ sạch lưới, chín trận không thua và đội bóng đang đứng nhất. Anh ấy ốm và tôi được tạo cơ hội vào sân. Nhưng tôi vẫn rất hồi hộp. Ba ngày tôi ăn không ngon ngủ không yên. Trận đó chúng tôi thua 1-2 và thua đúng vào phút cuối. Tôi bị đem ra làm tâm điểm chỉ trích, chỉ có Chủ tịch là ủng hộ tôi. Trận tiếp theo tôi lại được cho ra sân và là trận đầu tiên tôi giữ sạch lưới.
Sau hai trận ở V-League tôi được gọi vào đội tuyển quốc gia, như là thủ môn số ba. Giải AFF Cup năm đó tôi không được thi đấu. Kể từ đó, tôi là thủ môn số một ở CLB. Tôi có trận ra mắt đội tuyển quốc gia năm 2017, trong trận đấu với Jordan. Trận đấu hòa 0-0 và tôi là người chơi hay nhất. Một màn ra mắt thành công.
– Những màn ăn mừng của anh gần đây ở đội tuyển có ý nghĩa gì?
– Tôi muốn cho mọi người thấy khát khao của mình. Dù chỉ có một nửa dòng máu là người Việt, nhưng tôi sẵn sàng chiến đấu vì Việt Nam. Tôi đã trải qua hành trình khó khăn. Tôi muốn chứng minh rằng bản thân sẽ không bao giờ từ bỏ, trong những khoảng thời gian vất vả nhất, không ai cần mình, phải sang Lào và gần như từ bỏ sự nghiệp. Nhưng giờ tôi đã ở đây, cùng các đồng đội làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam.
— nguồn: ngoisao.net —
Bonus
Khoảnh khắc Đặng Văn Lâm ôm cột khóc một mình sau khi vô địch AFF Cup 2018
o0o