Đây là những kiến thức tôi học hơn 20 năm trước trong chuyên ngành điện energy economics and planning. Hy vọng có thể giải đáp được thắc mắc của các bạn về vấn đề như: giá điện sinh hoạt Việt Nam được tính như thế nào? Tại sao điện dùng càng nhiều thì giá điện càng cao?
Ngành điện hoạt động thế nào?
Ngành điện là ngành mà sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời. Nếu tại một thời điểm cung nhiều hơn cầu thì sẽ phải ngừng phát điện ở một số tổ, một số nhà máy. Còn nếu cung ít hơn cầu thì sẽ phải cắt điện ở một số khu vực. Để khớp cung và cầu trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia tại tất cả các thời điểm, ngành điện cần có một đơn vị điều tiết. Ở Việt Nam, đó là vai trò của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc giá.
Nguyên tắc điều tiết cung-cầu điện truyền thống như thế nào?
Về cơ bản, đơn vị điều tiết sẽ huy động các nhà máy có chi phí sản xuất điện thấp nhất trước. Theo đúng nguyên tắc chi phí cận biên nhỏ nhất thì nhà máy thủy điện quy mô lớn, nhà máy điện hạt nhân sẽ là những nhà máy có chi phí sản xuất điện thấp hơn cả. Tiếp đến, tùy từng quốc gia, sẽ là các nhà máy nhiệt điện chạy khí, nhiệt điện chạy than. Những nhà máy chạy dầu và năng lượng mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) sẽ được huy động sau cùng.
Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là chạy dầu, thường là các nhà máy chạy sau cùng đáp ứng phụ tải đỉnh do chi phí khởi động và ngắt khỏi hệ thống của các nhà máy này thấp hơn.
Giá điện được tính ra sao?
Giá điện được tính sao cho phản ánh được chi phí sản xuất điện. Một hệ thống giá lý tưởng sẽ có những đặc điểm sau:
– Giá giờ thấp điểm sẽ thấp hơn giờ cao điểm (tức tiêu thụ điện vào ban đêm sẽ thấp hơn vào 9h sáng -> 9h tối).
– Giá điện vào mùa tiêu thụ ít sẽ rẻ hơn giá điện vào mùa tiêu thụ nhiều.
– Giá điện của những hộ tiêu thụ càng gần nguồn (cấp điện áp cao) thì càng rẻ (do giảm chi phí truyền tải) => giá điện sản xuất thường rẻ hơn điện sinh hoạt.
– Giá điện của những hộ tiêu thụ mua theo giá công suất + giá điện năng sẽ rẻ hơn những hộ chỉ mua theo giá điện năng (cái này hơi technical tẹo, nhưng hiểu đơn giản thì như là cam kết mua bao tiêu một lượng điện năng dài hạn nên được giá ưu đãi hơn) => những hộ tiêu thụ lớn như thép, xi măng, giấy, v.v. thường được hưởng giá thấp hơn những đơn vị sản xuất khác.
Tại sao giá điện sinh hoạt lại được thiết kế hình bậc thang theo tháng, tức tiêu thụ càng nhiều thì càng phải trả giá cao?
Không có lập luận thực sự vững chắc cho việc thiết kế giá điện theo hình bậc thang. Các lập luận chính của giá bậc thang được giải thích như sau:
– Trợ cấp cho người tiêu thụ ít: người tiêu thụ ít thường là người nghèo, người ở vùng xa xôi, hẻo lãnh. Chi phí cấp điện cho các hộ này lớn. Để đảm bảo công bằng thì người tiêu thụ nhiều sẽ phải bù đắp cho người tiêu thụ ít.
– Tiêu thụ nhiều khiến cho phải chạy các nhà máy phụ tải đỉnh: những hộ tiêu thụ càng nhiều càng tạo áp lực khiến cho phải chạy nhà máy có chi phí sản xuất cao.
Có thể có lập luận rằng tôi tiêu thụ điện nhiều chủ yếu vào ban đêm, giờ phụ tải thấp, nhưng vẫn phải trả tiền điện giá cao. Đúng là vậy, nhưng thông thường thì đa số mọi người đều tiêu thụ nhiều điện vào các giờ cao điểm, nên đều phải trả tiền điện cao.
Chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất bố trí hoạt động sản xuất vào ca đêm có thể được hưởng giá điện thấp khi tiêu thụ nhiều.
Nếu như điện sinh hoạt được lắp công tơ đo tiêu thụ điện theo thời gian trong ngày thì có thể sẽ khuyến khích người dân dịch chuyển phụ tải sang các giờ thấp điểm. Chẳng hạn, thay vì 6-7h chiều bật nước nóng tắm thì có thể tắm vào lúc 9-10h tối v.v… Tuy nhiên, khả năng dịch chuyển nhờ điều chỉnh thói quen có thể sẽ không thực sự được nhiều.
Như vậy, theo cách tính giá điện bậc thang này thì những số điện ở bậc đầu tiên bạn trả giá thấp là trả cho các nhà máy chạy nền (như thủy điện, nhiệt điện lớn); những số điện ở bậc cao hơn, bạn trả giá cao là trả cho các nhà máy chạy đỉnh.
Hệ thống điện cạnh tranh hoạt động như thế nào?
Hệ thống điện cạnh tranh hoạt động theo cách thức các công ty phát điện và các công ty phân phối, hộ tiêu thụ điện lớn sẽ cạnh tranh nhau để cung cấp và tiêu thụ điện từ hệ thống vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Một hệ thống khớp lệnh, kiểu như thị trường chứng khoán, sẽ đảm bảo cung-cầu liên tục khớp nhau theo mức giá thỏa thuận.
Về cơ bản, hệ thống điện cạnh tranh mô phỏng tương đối chính xác nguyên tắc điều tiết cung-cầu điện truyền thống. Những nhà máy cung cấp nhiều điện, với mức giá rẻ sẽ được chào bán trước để đáp ứng các nhu cầu nền. Vào các giờ cao điểm, mùa tiêu thụ nhiều, các nhà máy có công suất nhỏ hơn, chi phí lớn hơn sẽ chào bán được nhiều hơn và với chi phí cao hơn.
Hiện nay, Việt Nam đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và theo lộ trình thì năm nay sẽ vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Có lẽ đến 2023-2025 gì đó thì sẽ có Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì, trên nguyên tắc, bạn có thể ký hợp đồng với nhà cung cấp bán lẻ theo mức giá bình quân, giá theo giờ, giá bậc thang,… trả trước sáu tháng, 1 năm, v.v., bảo hiểm nếu mất điện v.v. và với mỗi hình thức hợp đồng thì sẽ có những mức giá khác nhau.
Tùy vào hành vi tiêu thụ của người tiêu đùng, các nhà phân phối bán lẻ điện sẽ phản ánh vào hệ thống và tạo tín hiệu để cho các nhà sản xuất điện đáp ứng đúng nhu cầu cực kỳ đa dạng của người tiêu thụ.
Như mọi hệ thống cạnh tranh khác, hệ thống điện cạnh tranh không đảm bảo rằng giá điện sẽ thấp hơn so với giá của hệ thống điện hoạch định tập trung. Nó chỉ đảm bảo rằng bạn có nhiều lựa chọn hơn và cho ta cảm giác giá fair hơn với chất lượng nó cung cấp.
Có một số vấn đề liên quan đến hệ thống điện cạnh tranh như hoạch định dài hạn, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường v.v. nhưng nằm ngoài bài viết phổ thông này.
— Nguồn: FB Minh Dinh Tuan —
Giá điện sinh hoạt Việt Nam được tính như thế nào?
1. Giá điện giờ cao điểm và thấp điểm
Đầu tiên phải nói là trong bảng giá điện của EVN thì chỉ có điện sinh hoạt có giá bậc thang, ba đối tượng khác là sản xuất, kinh doanh, hành chính chỉ có giá điện theo điện áp và theo giờ. Điều đó dễ hiểu vì khối sản xuất và kinh doanh được lắp công tơ điện tử phân biệt lượng điện theo giờ nên có thể tính điện theo giờ.

Bình thường, EVN cho chạy những nhà máy có phát điện ổn định và không thể tắt được như điện than, một số thủy điện, khí. Giờ cao điểm nếu tất cả cùng dùng điện thì ngành điện sẽ phải huy động công suất bổ sung, gọi là phủ đỉnh (Hình 1). Ví dụ hình trên, ngày 18/4/2019 chênh giữa đỉnh và đáy là 9 GW, tương đương 9 nhà máy điện cỡ lớn. Bản chất của tổ máy điện rất ít cho phép điều chỉnh công suất mà chỉ có thể tắt bật từng tổ máy để đáp ứng công suất tăng lên hay giảm đi. Công suất phủ đỉnh thường là những nguồn điện có giá cao, huy động nhanh như điện khí và diesel. Thủy điện cũng có thể huy động phủ đỉnh nhưng phụ thuộc vào mực nước trên hồ chứ không chủ động như khí và diesel. Giờ thấp và thường những nguồn đó ngồi chơi nhưng vẫn phải sẵn sàng phát điện và vẫn ăn đủ lương. Chênh giữa đỉnh và đáy càng cao thì chi phí cho nguồn điện càng lớn. Vì thế mục tiêu của ngành điện không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới là sao cho người dùng không dùng quá nhiều điện vào giờ cao điểm. Việc tính giá điện sản xuất giờ cao điểm gấp ba lần giờ thấp điểm là để đạt mục tiêu đó.
EVN không gặp khó khăn gì trong việc khuyến khích công nghiệp phải tiết kiệm vào giờ cao điểm vì giá giờ cao điểm là 3076 VND/kWh, vừa có lãi tốt cho EVN, vừa đắt để buộc các nhà máy phải tiết kiệm điện giờ cao điểm. Các nhà máy cũng đóng góp quan trọng khi họ hay vận hành vào giờ thấp điểm, giá điện lúc đó rẻ như cho 1100 VND/kWh.
2. Giá lũy tiến điện sinh hoạt
Với điện sinh hoạt thì khác. Hiện tại EVN phân ra nhiều bậc thang cho điện sinh hoạt (Hình 2), 6 bậc, cũng chỉ vì EVN vừa phải kinh doanh lại vừa phải phục vụ yêu cầu của Chính phủ là hỗ trợ người nghèo. Hai bậc thang đầu chính là để hỗ trợ người nghèo, chiếm 35,6% số hộ dùng điện. Chỉ có bắt đầu từ bậc thứ ba, từ 101 đến 200 kWh, có giá 2014 VND/kWh, mới hòa vốn cho EVN. Thái Lan cũng có bậc 1 hỗ trợ người nghèo, bậc sau mới tính giá đủ.
Các bậc từ bốn trở lên thực sự là mức giá đem lại lợi nhuận cho EVN. Từ bậc 5 trở lên thông điệp là không khuyến khích người dùng tiêu dùng thêm điện, cũng vì lý do tránh đỉnh phụ tải như trên, nhưng điện sinh hoạt chưa lắp hết công tơ điện tử nên đành phải tính theo số điện tiêu thụ. Thường hộ nào dùng trên 300 kWh/tháng hay có xu thế dùng nhiều cả vào giờ cao điểm.

Ngay cả với bậc giá cao nhất, 2927 VND/kWh thì những người dân ở một số đảo như Phú Quý, Côn Đảo vẫn chỉ trả chưa đến 50% giá thành điện sản xuất ra tại đó. Phú Quý phải dùng diesel để phát điện nên giá thành rất rất cao. Phú Quốc tuy có điện lưới nhưng hệ thống cáp ngầm nối ra đảo rất tốn kém hiện cũng không được hạch toán vào giá bán điện cho đảo. Một số người muốn kinh tế thị trường nhưng lại muốn giá hàng hóa bán cho họ phải phi thị trường.
Tương lai tỉ lệ mắc công tơ điện tử sẽ đạt 100% và có thể khi đó sẽ không còn bậc thang nữa, tất cả sẽ tính theo giờ cao điểm, giờ thường và thấp điểm (box – Hình 3).

3. Tự kiểm toán giá thành điện của EVN
Làm thế nào để biết giá bậc ba, 2014 VND/kWh là hòa vốn cho EVN? Đơn giản là đọc thông cáo báo chí của EVN để biết được giá mua điện trung bình năm, trung bình ngày, rồi lấy số đó nhân với tổn thất, chi phí truyền tải, chi phí phân phối… (Hình 4)
Đơn giản nữa là làm cái bảng tính như sau, không phụ thuộc vào số liệu của EVN, lúc nào cũng tính được, luôn cập nhật, năm nào mưa nhiều thì % thủy điện tăng, ít mưa thì % thủy điện giảm, hụt khí thì điện khí giảm… Bảng tính cho thấy điện EVN phân phối đến tay người dùng có giá khoảng 1800 VND/kWh.

Bảng trên cho thấy, cơ hội để giảm giá điện là tăng phát thủy điện. Nhưng tiềm năng thủy điện đã gần hết, với các nhà máy sẵn có năm nào mưa nhiều có thể tăng thêm vài % là kịch. Điện than sử dụng nhiên liệu có giá quốc tế nên giá thành điện phát ra cũng gần tương đương giữa các nước, không thể giảm được. Tăng điện khí thì phải tăng nhập khẩu khí bằng tàu thủy và làm cho giá điện bình quân sẽ đắt lên. Báo cáo tháng 12/2018 của Ngân hàng thế giới cũng khuyến cáo giá điện phải đạt 12 cent/kWh để thu hồi đầy đủ chi phí.
4. Tăng 8,33% thật
Tháng có sự thay đổi về giá EVN tính tiền điện ra sao? Rất không may nó lại trúng tháng chuyển mát sang nóng. Trong Hình 5 là hóa đơn điện của một hộ gia đình có ngày ghi công tơ 6/4/2019. Tổng số ngày giá cũ là 13 ngày, tổng số ngày giá mới là 18 ngày. Số điện sử dụng được chia theo tỉ lệ 13/31 cho giá cũ và 18/31 giá mới. Giá trung bình của 145 số điện cũ là 2014 đ/kWh. Giá trung bình của 200kWh số điện mới là 2182 đ/kWh, đúng chênh nhau 8.33%.

5. Tự kiểm toán tiêu thụ điện của mình
Có thể ước lượng tiêu thụ điện được không? Hoàn toàn có thể nếu như bạn đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Chỉ trong 30 phút bạn có thể dựng một bảng excel như dưới đây (Hình 6). Mọi ngả đường đều dẫn đến Rome: mọi cách tính đều cho thấy điều hòa nhiệt độ là thủ phạm chính. Vì thế kỳ tháng 4-5/2019 bạn sẽ thấy số điện tiêu thụ tăng vọt. Đối với nhà có điều họa nhiệt độ khoảng gấp 3 lần so với tháng 2-3.

6. Tự làm ra điện
Nếu bạn vẫn chưa thỏa mãn thì có thể tự sản xuất ra điện để dùng. Điện than thì không thể được vì quá phức tạp cho hộ gia đình. Điện khí đốt trong hay diesel hoàn toàn khả thi nhưng giá thành rất cao, phần lớn là do giá nhiên liệu đầu vào rất cao, phần nữa do hiệu suất máy phát nhỏ không bằng máy phát lớn. Đương nhiên là phải được ông hàng xóm đồng ý với tiếng ồn. Điện khí tua bin đương nhiên là không được vì quy mô gia đình quá bé. Thủy điện thì cần ở cạnh con suối và đồng bào miền núi vẫn sài, nhưng phập phù. Điện gió rất phập phù và giá thành cao với tua bin nhỏ. Điện mặt trời có ưu điểm là tấm pin 2m2 cũng có hiệu suất năng lượng không khác gì nhà máy điện rộng hàng trăm ha. Nhưng đầu tiên bạn phải có mái nhà đủ rộng và được bán lên lưới. Không nên tự dùng điện mặt trời vì nó cũng phập phù, chỉ phù hợp với bơm nước, quạt máy. Dao động thất thường có thể làm hỏng thiết bị phức tạp hơn. Nếu lắp ắc quy là chuyện khác hẳn, khi đó bạn phải thực sự giàu đến mức không quan tâm đến giá thành điện, hoặc là bạn không có nguồn điện lưới.
7. Kết luận
Thế tại sao giá điện vẫn tăng liên tục 30 năm nay? Có ba vế. Thứ nhất là thoát khỏi bao cấp mọi mặt hàng cần thiết lập mặt bằng giá mới, công bằng hơn. Suốt từ Đông Âu về đến Việt Nam giá đều đột biến khi chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường. Thứ nhì, một chính phủ điều hành lấy bội chi ngân sách và cung tiền làm động lực tăng trưởng thì chả bao giờ hết lạm phát. Thứ ba là khi đời sống lên cao luôn tạo ra mặt bằng giá mới.
— Nguồn: FB Nhat Dinh —
o0o
Bạn cũng có thể tự tính số tiền điện của mình dùng bằng chính công cụ của EVN
o0o
Tại sao Việt Nam vẫn bán điện cho Lào và Campuchia?
Việt Nam, Lào và Campuchia đều nằm trong hệ thống sông Mekong, trong đó Việt Nam nằm ở phần phần cuối con sông, còn Lào và Cam nằm ở phần trung lưu, thượng lưu của sông Mekong.
Cả 2 bạn láng giềng này đều rất muốn xây dựng hệ thống thủy điện trên con sông này để cải thiện vấn đề thiếu điện trong nước, và các nhà thầu của nước-lạ-nào-đó sẵn sàng tài trợ cho họ.
Nếu các nhà máy thủy điện được xây dựng ở phần thượng nguồn (Lào và Campuchia), thì phần hạ nguồn của Việt Nam, cụ thể là đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp vấn đề lớn về nguồn nước, và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nước ta.
Do đó cả 3 nước đã thống nhất phương án giải quyết ổn thỏa nhất có thể: VN bán điện cho Lào và Cam với giá hợp lý để đổi lại họ sẽ không xây dựng các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong. That’s all.
#Cóc
o0o