“Ngày làm 8 tiếng, cuối tháng nhận lương” thì gọi là “Ổn Định”?

“Ngày làm 8 tiếng, cuối tháng nhận lương” thì gọi là “Ổn Định”?

“Ổn Định”

Sau khi tốt nghiệp, vào đợt phân công công tác năm đó, vì trường quân sự của D đã đủ người, nên cấp trên nói với hắn: “Cậu xuống cơ sở đảm đương công việc mới một năm rồi trở lại Bắc Kinh nhé!” Không chút lưỡng lự, D gật đầu bảo: “Chỉ cần có cơ hội về Bắc Kinh thì cơ sở xa xôi đến mấy tôi cũng đi.”

Tôi đã từng nói chuyện với D về cái gọi là ổn định. Khi đó, tôi đã là một người lao động tự do.

Hắn bảo: “Trong biên chế thì ổn định, thu xếp xong chuyện hộ khẩu, mỗi tháng có lương đều đều, khỏi phải lo cơm áo, tha hồ thời gian làm việc mình muốn.”

Tôi nói: “Thứ mày gọi là ổn định đó, tao thấy cứ thế nào ấy.”

D giải thích: “Mày xem đấy, ngày nào mày cũng phải phấn đấu hết sức mình, còn tao chả cần. Tao có thể nằm ngủ thảnh thơi, mỗi tháng có thu nhập 5.000 tệ (khoảng 15 triệu VNĐ). Nhìn lại mày xem, nếu không cố gắng dù chỉ một ngày, thì lấy đâu ra tiền tiêu?!”

Tôi đáp: “Nhưng sống chẳng phải là để phấn đấu ư?”

Hắn nói: “Nhưng ổn định vẫn hơn vì khi tao đã có cuộc sống ổn định thì phấn đấu lúc nào mà chả được!”

Tôi bảo: “Cứ cho là chúng mày tháng nào cũng được lĩnh lương, tất cả những người làm việc và không làm việc đều được trả như nhau, thế thì ai sẽ chịu làm việc tiếp đây?”

Hắn cự lại: “Ấy thế mà có khối người đang vất vả tìm kiếm cuộc sống ổn định đấy!”

Tôi cãi: “Rất nhiều người không có nghĩa là điều đó đúng. Tao không thấy mày ổn định, bởi vì cuộc sống của mày phụ thuộc vào một chính sách hoặc một câu nói của lãnh đạo, khả năng thay đổi là rất lớn. Công việc của những người lao động tự do như tao, dựa vào nỗ lực của bản thân, thị trường sẽ trả cho chúng tao những con số tương ứng một cách công bằng, chỉ cần phấn đấu hằng ngày, cuộc sống nằm trong tay mình. Còn mày thì không, cuộc sống của mày nằm trong tay lãnh đạo, trong tay cơ chế. Cái này biến số rất lớn, ai mà biết được hôm nay lãnh đạo khen mày, ngày mai có khi lại ghét bỏ mày chưa biết chừng.”

“Thế là sao?”, hắn hỏi.

Công việc ổn định

Tôi bèn trêu bảo: “Ví dụ mày muốn về Bắc Kinh, mày phải tìm người giúp đỡ, phải nhờ vả, phải bỏ tiền. Còn tao, chỉ cần có cơ hội, muốn đi đâu thì đi đấy, tìm được việc thì không chết đói được.”

Hắn cãi: “Nhưng kết quả là cả tao với mày đều cùng về Bắc Kinh, không phải là giống nhau à, mà tao sẽ sống dễ dàng hơn mày đấy!”

Tôi không biết nói gì thêm nữa. Hôm đó, ngoài trời gió thổi rất mạnh, dường như thổi vào tận đáy lòng, trái tim nhiệt huyết nhưng vương một nỗi buồn khó tả. Mùa đông năm ấy, D rời Bắc Kinh về cơ sở nhậm chức.

Một năm trôi qua, quyết định được chuyển xuống. Danh sách người được điều chuyển về Bắc Kinh không có tên D.

Tôi từng tự hỏi rốt cuộc ổn định là cái gì, là một công việc ổn định, một hộ khẩu, hay là một căn nhà ba phòng ngủ? Nhưng đến tận hôm nay, tôi không thể hiểu tại sao mỗi tháng lương 5.000 tệ, đi làm đọc báo uống trà mới là ổn định. Tôi không thể hiểu tại sao một người cần phải có nhà mới dám đi yêu một người, hoặc buộc phải có hộ khẩu Bắc Kinh mới có thể sống ở Bắc Kinh.

Tôi từng nhập ngũ vài năm, do không phù hợp nên tôi đã xuất ngũ. Trong môi trường quân đội, có người cả ngày chỉ nghĩ làm thế nào để được ổn định. Cũng có người chẳng có việc gì làm, cả ngày dùng điện thoại lên mạng thật nhàn nhã. Nhưng cũng có người rất nỗ lực phấn đấu và cống hiến, làm được những điều đáng nể.

Dẫu có thế nào, chỉ vì lí do ổn định mà gia nhập một tổ chức, vì ổn định mà làm một nghề nào đó, lúc còn trẻ không cống hiến, không mạo hiểm, để tuổi thanh xuân đi qua như thế thì thực có gì đó rất không ổn.

Thế giới vẫn ngày ngày đổi thay và cái gọi là ổn định, có lẽ không hề tồn tại. Trên thế gian này, điều duy nhất bất biến chính là thay đổi bản thân, chỉ vì có nỗ lực phấn đấu hằng ngày thì mới không bị tụt lùi. Thời đại mà tổ chức giải quyết mọi thứ, nhà nước bao cấp toàn bộ cuộc sống của cha mẹ chúng ta trước kia, nay đã không còn tồn tại nữa. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Thế nhưng, xung quanh chúng ta vẫn có không ít người sẵn sàng vì hộ khẩu mà đánh đổi cuộc sống, sẵn sàng vì ổn định mà trả giá bằng tuổi thanh xuân, sẵn sàng vì sự yên ổn mà mất đi hoài bão.

Công việc ổn định

Mấy hôm trước, gặp lại D, hắn kể cho tôi nghe một câu chuyện.

Người anh học cùng trường của hắn, 30 tuổi, đã ổn định được nửa cuộc đời, đã cưới vợ và chuẩn bị sinh con, nhưng đột nhiên tháng vừa rồi bị kỷ luật khai trừ khỏi tổ chức. Khi rời khỏi vị trí công tác ổn định ấy, anh ta chợt nhận ra rằng sau 8 năm tốt nghiệp, ngoài việc uống trà đọc báo, viết những công văn vô thưởng vô phạt, nịnh bợ cấp trên ra, thì chẳng biết làm gì khác. Anh ta cầm hồ sơ đi xin việc, cạnh tranh với các sinh viên mới tốt nghiệp. Nhưng ngoài việc hơn tuổi họ thì anh đã mất đi tất cả sức cạnh tranh. Đến những kiến thức máy tính đã học năm thứ tư đại học, cũng đã rơi rụng hết cùng với những ngày tháng bình ổn kia. Một năm sau, anh ta và vợ li hôn.

Một hôm, anh ta với dáng vẻ đầy mệt mỏi nói với D: “Nếu cậu muốn đi, thì đi ngay, đi sớm đi. Nếu không đi thì cũng đừng lựa chọn ổn định ở cái độ tuổi có thể xông pha nhất này, càng không nên nghĩ trên thế giới này có công việc gì ổn định. Hạnh phúc mà cậu đang hưởng thụ hiện tại đều là giả tưởng, có thể một ngày nào đó trong tương lai sẽ biến mất hoàn toàn. Cuộc sống là của bản thân mình, phấn đấu không phải là vì người khác. Hãy xông pha với mỗi công việc cần phải làm mỗi ngày, chỉ có tiến bộ của hôm nay mới là cuộc sống ổn định nhất!”

Chỉ có tiến bộ của hôm nay mới là cuộc sống ổn định nhất! Vậy thì tại sao lại phải vì cái gọi là ổn định mà từ bỏ việc khám phá thế giới, vì ổn định mà ngoảnh mặt với khả năng vô hạn của cuộc sống? Nếu trên thế gian, điều bất biến lớn nhất chính là sự thay đổi thì hãy nỗ lực bứt lên trong cuộc sống muôn hình vạn trạng này.

Đối với người bộ hành, không ai thích con đường bằng phẳng cả, dẫu hai bên đường hoa cỏ thơm ngát đi nữa. Còn những người dù bận rộn đến mấy cũng sẽ liếc mắt nhìn những cánh hoa rơi trong gió, bởi chúng không giống như bùn đất nằm yên ổn tại nơi đó, chúng đã nỗ lực bứt lên, và đã đem đến cho thế gian những giây phút khó quên. Điều đó, chẳng phải là điều bạn và tôi muốn có sao?

* Trích cuốn “Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống”, tác giả Lý Thượng Long.

Mai Lâm – Theo Nhịp Sống Kinh Tế

o0o

Đọc tham khảo thôi, chắt lọc cái nào phù hợp với bản thân, chứ đừng bảo “cái bài này xúi người ta nghỉ việc” 🙂
#Cóc

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments