Trong lịch sử phát triển của thế giới Internet hiện đại, có lẽ Google đóng vai trò quan trọng nhất vì nó là thứ giúp mọi người tiếp cận với nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Ngày 4/9 vừa rồi chính là sinh nhật 20 tuổi của công ty, sau đó 3 tuần của 20 năm về trước, vào ngày 27/9/1998 họ cho ra mắt trang web tìm kiếm Google.com. Và đây là những cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của Google.
[04/09 là sinh nhật Google, còn 27/09 là ngày ra đời của trang web Google.com #Cóc]
Quá trình phát triển của Google trong 20 năm qua
8/1996: Larray page và Serget Brin ra mắt Google trong mạng của Đại học Stanford
Ban đầu dự án này có tên là BackRub, nó là một dự án nghiên cứu của Larry Page khi đó đang học khoa học máy tính ở trường này. Khi đó anh gặp thêm người bạn cùng ngành là Sergey Brin. Cả hai giữ liên lạc với nhau trong lúc Page đang tìm cách kết nối World Wide Web lại với nhau. Page ôm mộng xây dựng một hệ thống có thể đi cào cả Internet để xem page nào liên kết với page nào, và đây có thể trở thành một công cụ tìm kiếm mới.
Kết hợp với khả năng toán học của Brin, cả hai làm ra thuật toán PageRank, đặt tên theo Larry, để chấm điểm cho các kết quả tìm kiếm dựa trên hành vi link với nhau. Hai công nghệ này đã tạo ra nền tảng cho công cụ tìm kiếm mạnh mẽ nhất thế giới ở thời điểm đó.
4/9/1998: Google thu được 100.000 USD tiền tài trợ
Lấy cảm hứng từ cách mà các trang web được link với nhau và công cụ tìm kiếm của họ càng lúc sẽ càng chính xác hơn khi thế giới web phát triển, Page và Brin đã đặt tên cho công ty của họ dựa theo thuật ngữ toán học googol (số 1 theo sau bởi 100 số 0). Bộ đôi này chuyển đến làm việc tại garage của Susan Wojcicki, người sau này trở thành CEO YouTube, ở khu vực Menlo Park, California. Họ thành lập công ty dưới tên chính thức là Google với vốn 100.000$ từ Andy Bechtolsheim, đồng sáng lập Sun Microsystems.
8/2001: Schmidt trở thành “người lớn giám hộ”
Năm 2001, Page và Brin tuyển Eric Schmidt về điều hành Google. Công ty chỉ mới vài năm tuổi nhưng đã phát triển rất nhanh chóng và cần một người dẫn dắt. Schmidt cũng biết về kĩ thuật, đã từng làm CTO của Sun và CEO Novell trước khi về với Google. Brin và Page xem Schmidt như “người lớn giám hộ” cho Google.
Ông tham gia vào ban điều hành ở vị trí chủ tịch vào tháng 3/2001 và sau đó trở thành CEO của công ty trong tháng 8. Schmidt giữ vị trí này trong 10 năm, giám sát việc IPO của Google năm 2004, mua lại YouTube, ra mắt Google Docs, Gmail và nhiều sản phẩm quan trọng khác. Năm 2011, ông trở thành giám đốc điều hành, nhường ghế CEO lại cho Page. Schmidt tuyên bố việc chuyển vai trò của mình rằng “người lớn giám hộ” không cần nữa vì Google đã tự phát triển đủ cứng.
Mùa hè năm 2002: Yahoo muốn mua Google giá 3 tỉ USD nhưng không thành công
Trước khi Google trở nên phổ biến, họ đã từng được sử dụng như là công cụ tìm kiếm của Google vào những năm 2000. Mùa hè năm 2002, Yahoo muốn mua lại Google nhưng không thành công bởi Google muốn giá 5 tỉ USD trong khi Yahoo chỉ đưa ra con số 3 tỉ. Ngày nay Google và công ty mẹ Alphabet đang được định giá 840 tỉ USD. Yahoo thì chỉ còn 5 tỉ USD và sống dở chết dở với đa số sản phẩm chính của họ.
1/4/2004: Gmail ra mắt với 1GB lưu trữ
Năm 2001, Google tuyển Paul Buchheit để phát triển một sản phẩm email. Buchheit đã từng làm việc với email từ những năm 90 và ông quyết định sẽ làm ra một dịch vụ email nhanh hơn, mạnh hơn bằng công nghệ AJAX (cho phép load thêm thông tin từ server mà không phải tải lại trang.
Đầu tháng 4/2004, Gmail ra mắt với 1GB dung lượng lưu trữ. Thời điểm đó các dịch vụ email đối thủ chỉ cho lưu vài chục MB mà thôi nên Gmail thu hút được sự chú ý cực lớn. Nhiều người còn nghi rằng đây là một trò đùa cá tháng tư nhưng thực sự không phải thế. Đây là hàng thật.
19/8/2004: Google lên sàn chứng khoán
Google đưa ra giá của mình là 85$ / cổ phiếu, sau khi mở bán giá trị của họ đã tăng thành 27 tỉ USD sau khi kêu gọi được 1,7 tỉ USD.
8/2/2005: Google Maps ra mắt
Google nói rằng bản đồ sẽ hữu ích và vui. Google thời ấy bắt đầu giúp mọi người biết nhiều hơn về bản đồ online chạy trên nền web với tính năng chỉ đường từng bước. Google Maps cũng có thể zoom ra zoom vào. Mãi đến năm 2009 họ mới ra mắt tính năng định vị GPS cho Google Maps để dùng trên smartphone.
27/1/2006: Google ra mắt tại Trung Quốc
Google đã cung cấp phiên bản tiếng Trung từ năm 2000 nhưng họ gặp vấn đề với tường lửa của Trung Quốc nên rất chậm và bị chặn. Năm 2006, Google lập một công ty con tại đây và nhiều kết quả bị che bớt.
9/10/2006: Google mua lại YouTube
Sau khi vượt qua các công ty như Microsoft, Viacom, Yahoo… Google mua lại YouTube với giá 1,65 tỉ USD. Thương vụ này có lợi cho cả 2 bên: Google có được traffic về video trực tuyến, YouTube thì truy cập được vào nguồn lực khổng lồ của Google. Hai công ty này không về chung một văn phòng mà làm riêng với nhau. Giờ thì mọi người đều đã biết YouTube thành công ra sao rồi.
14/4/2007: Google mua lại DoubleClick
Năm 2000, Google ra mắt AdWords như là một công cụ quảng cáo, và họ có một hệ thống đấu giá độc quyền, tự động hoàn toàn dành cho các nhà quảng cáo mua từ khóa. Năm 2007, Google mua thêm DoubleClick với giá 3,1 tỉ USD để tăng cường mạng lưới quảng cáo của mình thêm nữa.
2/9/2008: Google ra mắt trình duyệt Chrome
23/9/2008: Android ra mắt với chiếc HTC Dream
22/3/2010: Google rời khỏi Trung Quốc
Đầu năm 2010, Google phát hiện một đợt tấn công lừa đảo ở Trung Quốc nhắm vào hạ tầng của họ nhằm lấy được địa chỉ email và thông tin cá nhân của các nhà hoạt động nhân quyền tại nước này. Cuộc tấn công này đã khiến Google thay đổi cách hoạt động của mình tại Trung Quốc ngay cả khi họ biết đây là một nước đi nguy hiểm. Google.cn chuyển hướng sang Google.com.hk, phiên bản trình duyệt này không bị che thông tin. Chẳng lâu sau đó, Bắc Kinh chặn Google không cho phép người dùng truy cập từ Trung Quốc.
10/2010: Google bắt đầu làm xe tự lái
Năm 2010, Google ra mắt 7 chiếc xe Toyota Priuses được gắn thêm cảm biến và trang bị trí tuệ nhân tạo để thử nghiệm xe tự hành. Dự án nghiên cứu này đã dần dần phát triển và giờ tách thành một công ty riêng là Waymo nằm dưới Alphabet.
15/8/2011: Google mua lại Motorola Mobility
Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỉ USD, một trong những thương vụ đắt nhất lịch sử công nghệ, với tham vọng “tăng tốc cho hệ sinh thái Android và tăng cường sự cạnh tranh trên mảng di động”. Thật ra thì Google chẳng làm được gì trong 2 nhiệm vụ này.
Dưới thời Google, Motorola ra mắt chiếc Moto X năm 2013, nó được lắp ráp tại Mỹ, có nhiều tùy biến về mặt lưng, phần mềm. Máy được đón nhận tốt nhưng không bán được nhiều. Chiếc Moto G tầm trung thì lại không đủ nguồn thu để Google giữ lại Motorola. Sau khi ra mắt chiếc Moto X năm 2014, Google bán Motorola Mobility cho Lenovo với giá thấp hơn nhiều.
Tháng 6/2012: Google Glass ra mắt
Dự án này ra mắt bằng một màn nhảy dù của Sergey Brin vào năm 2012. Sau đó kính thông minh của Google có xuất hiện bản cho developer nhưng rồi bị hủy bỏ dự án sau đó vài năm do tính thực tiễn không cao và tình huống sử dụng cũng hẹp. Năm 2017, Google định hướng Google Glass thành sản phẩm dành cho doanh nghiệp.
24/1/2014: Google mua lại DeepMind, công ty nghiên cứu về AI
Đây là bước đi đầu tiên của Google trong việc xây dựng một nền tảng trí tuệ nhân tạo vững chắc cho công ty và các sản phẩm về say. Google cũng lập ra một ban độc lập chuyên về đạo đức của các sản phẩm AI. Thành công lớn nhất của DeepMind chính là việc đánh bại được kỳ thủ cờ vây với hệ thống AlphaGo. Đây cũng là động lực để ngành machine learning và AI bùng nổ từ năm 2017 đến nay.
Giờ thì AI có thể bắt gặp trong mọi sản phẩm Google: Android có AI để tối ưu hoạt động, Gmail dùng AI để tự động trả lời, Google Assistant dùng AI để phản hồi lại người dùng, Google Photos dùng AI để tự động phân loại hình ảnh, làm đẹp ảnh và tổng hợp ảnh.
10/8/2015: Google tái cấu trúc, Alphabet thành lập
Đồng sáng lập Google là Larry Page quyết định tái cấu trúc công ty đồ sộ của mình thành nhiều công ty nhỏ, chúng sẽ được quản lý bởi công ty mẹ tên là Alphabet. Waymo là công ty chuyên về xe tự hành, Calico chuyên làm thuốc kéo dài tuổi thọ và hàng tá công ty nhỏ khác nữa. Google cũng trở thành con của Alphabet chuyên về công nghệ, kĩ thuật, trí tuệ nhân tạo.
Nhân dịp này Google cũng thay đổi logo, và đó là logo mà bạn đang thấy ngày nay.
10/2016: Google ra mắt phần cứng
Sau nhiều năm thực thi chương trình Nexus hợp tác với các nhà sản xuất bên ngoài để làm điện thoại Android, Google cuối cùng cũng tự ra mắt chiếc smartphone của riêng mình. Tuy vẫn được gia công bởi HTC nhưng chiếc Pixel và Pixel XL hoàn toàn không có dấu hiệu nào của HTC cả, tất cả đều mang thương hiệu Google. Google cũng giới thiệu dòng loa Home để cạnh tranh với hệ sinh thái loa – nhà thông minh của Amazon.