Mùa mưa thực sự là cơn ác mộng của nhiều anh chị em, xét riêng tới cái vấn đề giày dép footwear.
Nước mưa làm ướt giày, lọt vào trong lớp vải lót và insole bên trong đã đành, đường ngập nước mưa và sình lầy cũng là một mối đe dọa khác tới độ bền đôi giày của các anh em.
Từ đầu mùa mưa tới giờ mình để ý nước mưa gây ảnh hưởng tới quần áo giày dép, và quan trọng hơn là sức khỏe của anh em, hơn là các thiết bị công nghệ, vốn có nhiều cách chống nước và bảo quản tốt hơn trong ba lô hay những chiếc túi vải chống thấm.
Vậy thì mùa mưa đi gì thoải mái nhất lúc trời mưa? Nếu vẫn phải đi giày thì nên chọn loại nào và nên làm gì để giày dép bền đẹp?
Kinh nghiệm sử dụng và bảo quản giày dép trong mùa mưa
Đầu tiên mình phải khẳng định với anh em là ở cái mùa này thời trang không phang được thời tiết đâu.
Khi không biết được những hạt mưa đầu tiên là mở đầu của một cơn mưa bóng mây qua loa, hay một cơn mưa rào tầm tã thì đôi khi xấu xí như đôi dép tổ ong hay một đôi Crocs cao su cũng giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ít nhất là chúng không thấm nước, ngồi quạt hay đặt gác vào tường, gót chạm sàn, mũi dép chạm tường một lát là khô ráo.
Dù trông không đẹp mắt lắm nhưng bù lại Crocs Citilane Roka hoặc Clog được ưu điểm là nhanh khô và rất êm nên nhiều anh em thích đi.
Nhưng cái loại này có một nhược điểm nhẹ là không thân thiện lắm đối với bàn chân, nhất là về mùi. Mình đi thử thì thấy trời nóng mồ hôi ra không thua kém hồi đi học mua Chaco về đi cho lắm. Kinh nghiệm là sau mỗi lần đi mưa hoặc ngập, hoặc khoảng 3 tháng, anh em có thể giặt đôi dép này bằng xà bông, phơi thật sạch. Sau khi đôi dép đã khô, anh em lấy baking soda (NaHCO3) phủ vào mặt bên trong. Để qua một đêm sáng hôm sau đổ hết bột baking soda ra là sẽ hết mùi hôi, đi thông thoáng hẳn.
Dĩ nhiên giày dép nào cũng vậy cứ trong điều kiện tối tăm ẩm thấp thì vi khuẩn từ mồ hôi cũng dễ sinh sôi khiến giày dép có mùi hôi khó chịu. Vì thế nên sau khi đi anh em cũng nên kiếm một chiếc giá để giày thông thoáng hơn việc bỏ giày vô tủ rồi đóng kín.
Quay trở lại với những anh em vẫn phải đi học đi làm bằng xe máy. Không phải lúc nào đi dép cũng tiện, nhất là với những anh em nghề nghiệp đặc thù như tài chính ngân hàng chẳng hạn, đi dép đi làm ở những môi trường như vậy không bị đuổi thì cũng cảnh cáo. Có hai cách giúp đỡ các anh em.
Cách thứ nhất là bỏ giày da và tất vô ba lô hoặc túi xách, đi làm trời mưa ngồi xe máy đi dép. Đến chỗ làm vào phòng thay đồ hoặc WC đổi qua đôi giày thanh lịch hơn và bắt đầu công việc.
Cách thứ hai thậm chí còn đơn giản hơn: Mua bọc giày đi mưa. Chỉ 100 ngàn cho một đôi túi giống hình chiếc ủng, mặc quần áo đi giày da rồi xỏ đôi bọc giày, kéo dây rút để nước không lọt được vào bên trong giày là anh em có thể yên tâm quần áo có thể ướt vì nước bắn nhưng giày thì không. Thậm chí những túi bọc này còn có đế riêng, đi bộ không sợ trơn trượt.
Sở dĩ giày da mùa này phải chăm chút cẩn thận vì nước mưa luôn là kẻ thù của mọi loại giày da, kể cả da thật lẫn da PU nhân tạo. Nước ngấm vào giày da thật sẽ khiến mùi rất khó chịu, không phải từ chân của anh em đâu mà là từ chính những mảnh da bị ngâm nước. Còn với da PU, nước sẽ khiến kết nối giữa lớp da hóa học và lớp vải nền bị bong ra, khiến chất da bị hỏng, bong tróc.
Tương tự như vậy với sneaker thể thao hoặc slip-on như Nike, adidas hay Vans. Ngay cả những mẫu giày được quảng cáo là chống nước như NMD CS1 Goretex cũng chỉ chống thấm những giọt nước bắn từ dưới đường lên mà thôi, chứ mưa tầm tã thì cũng ngấm qua lớp vải như bình thường. Những chiếc túi bọc giày xỏ vào chân như một lớp ủng chống nước đi mưa thời gian qua đã trở thành món đồ nhiều anh em chơi sneaker chọn mua, và chúng cũng có hiệu quả tương đối tích cực.
Dù sao đi chăng nữa, với thời tiết khó đoán trước như thế này, đi sneaker tiền triệu hay bất kỳ loại giày dép nào ra đường cũng cần có những cách bảo vệ một cách hợp lý nhất. Việc sử dụng những bình xịt chống nước không đem lại nhiều kết quả nên anh em cũng nên tránh những chất liệu như da lộn, nubuck, nỉ hay vải. Có nhiều đôi như Converse Hi Rubber hay Palladium chống nước cũng rất tốt.
Quan trọng nhất là, đi mưa về anh em cũng nên lau và phơi khô giày ngay để chúng bền và sử dụng được lâu nhất.
— Nguồn: tinhte —
bên cạnh cách bảo quản giày đó bạn có thể tìm hiểu thêm 4 cách bảo quản giày da tránh khỏi hư hỏng
https://quyongdanhgiay.blogspot.com/2019/12/4-cach-on-gian-bao-quan-giay-da-cua-ban.html
sản phẩm rất tốt và chất lượng